Bão có thể giảm bớt độ mạnh và đi vào trung Trung bộ

Bão có thể giảm bớt độ mạnh và đi vào trung Trung bộ
TPO - Quan chức Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo khả năng bão Cimaron đổ bộ vào miền trung Trung Bộ nhiều hơn so với miền nam Trung Bộ.
Bão có thể giảm bớt độ mạnh và đi vào trung Trung bộ ảnh 1
Dự báo đường đi  của bão Cimaron

Nếu không có gì bất thường, đến 16 giờ chiều mùng 1/11, bão có vị trí ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 113,2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía đông.

Như vậy, so với dự đoán sáng nay, bão có vẻ sẽ dịch chuyển theo hướng tây nhiều hơn là hướng tây - tây nam.

Liên quan đến cường độ bão, các chuyên gia cho rằng bão có thể mạnh lên trong vòng 24 giờ tới sau đó sẽ giảm. Sở dĩ có dự đoán như thế, vẫn theo chuyên gia của Trung tâm DBKTTV, là bởi điều kiện nhiệt động lực trên Biển Đông.

Ra khỏi lãnh thổ Philippines, bão sẽ được tiếp thêm năng lượng khi di chuyển trên mặt nước Biển Đông.

Tuy nhiên, do thời điểm này là mùa thu, kèm theo gió mùa đông bắc, nhiệt độ mặt nước Biển Đông giảm, chỉ còn khoảng 26-27 độ C. Trạng thái động lực đó không thể tiếp thêm năng lượng cho bão. Bởi vậy, khả năng trong vòng 48 giờ tới, bão sẽ giảm xuống còn cấp 12-13.

Hồi 16 giờ chiều nay (30/10), vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 118,7 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật trên cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và có khả năng mạnh thêm (16 giờ chiều 31/10 bão có vị trí ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 115,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía đông).

Vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km tính từ tâm bão; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 - 150km tính từ tâm bão.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 hay còn gọi là Cimaron sẽ di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió bão mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội.

Công điện khẩn của Chính phủ về triển khai phòng chống bão số 7

Công điện yêu cầu các bộ ngành:

-Theo dõi sát diễn biến bão số 7, tập trung lực lượng, phương tiện chủ động đối phó và khắc phục hậu quả; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn.

-Chuẩn bị tốt  nơi neo đậu để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có bão; có ngay các phương án chủ động di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, những nơi có khả năng ngập sâu, nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất hoặc bị chia cắt do bão lũ.

Rà soát lại các phương án cứu hộ, cứu nạn; phân công lãnh đạo xuống các địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác phòng chống bão, lũ; đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, cầu cảng, giàn khoan, các công trình xây dựng.

-Chuẩn bị các phương án theo phương châm bốn tại chỗ; bố trí đủ lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiêt cho nhân dân ở các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu và vùng dân cư trên đảo.

Các bộ ngành nhận công điện gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Quốc  phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Xây dựng, Bưu chính viễn thông, Thuỷ sản, Du lịch, Tổng công ty điện lực Việt Nam, Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia, Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân dân; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban chỉ đạo PCLB  Trung ương, Uỷ ban Quốc gia TKCN

- Chỉ đạo các địa phương cử người trực 24/24 giờ ở các ngầm, đập tràn, các đoạn đường bị ngập lụt để bảo vệ dân, nghiêm cấm các chủ đò, phưuơng tiện vận tải không đảm bảo an toà hoạt động trong khi mưa bão.

- Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ ngành lien quan để có công hàm cho các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện giúp đỡ cho tàu thuyền và ngư dân ta trạm trú tránh bão.

- Đảm bảo dự báo bão, mưa, lũ chính xác, thông báo, thông tin kịp thời đến các địa phương, ban ngành để chỉ đạo phòng chống có hiệu quả.

- Các ngành, các cấp phải xác định đây là nhiệm vụ đột xuất, quan trọng, triệt để chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ và thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG