Bảo mật thông tin Facebook và những hệ lụy

TP - Người dùng Facebook (FB) toàn cầu cuối tuần qua vô cùng sửng sốt trước thông tin mà hai tờ New York Times và The Guardian đồng loạt công bố, kèm theo những bằng chứng về việc FB đã để cho công ty nghiên cứu dữ liệu Cambridge Analytica tiếp cận thông tin của 50 triệu tài khoản người dùng.

Số dữ liệu trên được Cambridge Analytica - công ty phân tích dữ liệu có văn phòng tại Anh và Mỹ - mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge. Kogan thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife - một dạng khảo sát trên mạng xã hội - và khẳng định khảo sát được thực hiện với mục đích nghiên cứu học thuật. Vấn đề ở chỗ, Kogan bán lại dữ liệu này cho Cambridge Analytica mà người dùng không hề hay biết, sau đó Cambridge Analytica sử dụng số dữ liệu này vào nhiều mục đích không trong sáng, trong đó có mục đích chính trị.

Mặc dù biết vụ việc từ năm 2015 và đã yêu cầu các bên xóa dữ liệu này nhưng do FB không kiểm tra chặt chẽ nên dữ liệu vẫn được bán cho nhiều bên.

Một số chuyên gia về chiến dịch vận động, tư vấn chính trị thông qua kỹ thuật số cho rằng, mạng xã hội là một nhân tố quan trọng trong chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và trong chiến dịch trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn được gọi là Brexit. FB đóng vai trò quan trọng vì đây là hình thức vận động trên diện rộng khó có thể kiểm soát.

FB giúp Trump thắng cử?

Theo nguồn tin của The GuardianThe New York Times, Cambridge Analytica được thuê vào tháng 6/2016 để phân tích thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản FB - tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử Mỹ năm 2016. Theo nguồn tin này, Cambridge Analytica đã sử dụng dữ liệu cá nhân trên FB của hơn 50 triệu người dùng để tạo hồ sơ về các cử tri tiềm năng và truyền thông điệp bầu cử thuyết phục tới họ.

Theo Gary Coby, Giám đốc tuyên truyền cho đảng Cộng hòa, chiến dịch vận động tranh cử chính thức của ông Trump đã chi hơn 70 triệu USD cho việc tiếp cận các đối tượng mục tiêu trên Facebook trong suốt thời gian bầu cử.

Vẫn theo nguồn tin của The GuardianThe New York Times, hai năm trước đó, tức vào năm 2014, Cambridge Analytica cũng giúp ông Thom Tillis của đảng Cộng hòa đánh bại Thượng nghị sĩ đương nhiệm Kay Hagan của đảng Dân chủ ở Bắc Carolina. Điều này xảy ra vào thời điểm cuộc đua vào Thượng viện Mỹ diễn ra tốn kém nhất trong lịch sử với mức chi là hơn 121 triệu USD.

Fb và Brexit

Tại Vương quốc Anh, Cambridge Analytica đang phải đối mặt cuộc điều tra liên ngành của Quốc hội và các cơ quan chính phủ về những cáo buộc rằng công ty đã thực hiện những hành động bất hợp pháp liên quan Brexit. 

Arron Banks, đồng sáng lập nhóm Leave.EU (Rời EU) viết trong một cuốn sách rằng, vào tháng 10/2015, nhóm của ông thuê Cambridge Analytica để tác động vào người dân Anh. Trước đó, vào tháng 8/2015, Leave. EU thông báo trên trang web riêng về việc Cambridge Analytica “sẽ giúp chúng tôi lập bản đồ cử tri Anh và những điều họ tin tưởng, theo đó chúng tôi sẽ can dự tốt hơn với cử tri”.

Tháng  2/2016, Giám đốc điều hành của Cambridge Analytica, Alexander Nix, viết trong tạp chí Campaign rằng, công ty của ông đang làm việc cho Leave.EU: “Chúng tôi đã giúp chiến dịch truyền thông xã hội của Leave.EU bằng cách đảm bảo các thông điệp đúng đắn sẽ được đưa đến đúng các cử tri tham gia trực tuyến”.

Ông Nix mới bị Cambridge Analytica đình chỉ công tác trong tuần này. Giám đốc truyền thông Andy Wigmore của Leave.EU cũng đã khẳng định trên Twitter vào năm ngoái rằng nhóm vận động của ông đã sử dụng công ty này. Tuy nhiên, cho tới nay mối liên quan thực sự giữa Cambridge Analytica với chiến dịch Brexit vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Nhà sáng lập Fb nhận trách nhiệm

Sau khi câu chuyện gây sốc trên được công bố, FB đã bị các nhà lập pháp tại Mỹ và Anh chỉ trích gay gắt về lỗ hổng trong bảo mật thông tin người dùng. Giới truyền thông đánh giá đây là một trong những vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trên mạng xã hội. Vụ bê bối này có thể khiến Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg hoặc Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Mạng xã hội cũng được cho là sẽ phải điều chỉnh lại cơ chế bảo mật và bảo vệ thông tin người dùng.

Trong diễn biến mới nhất, nhà sáng lập FB Mark Zuckerberg thừa nhận vụ việc trên đã gây ra tổn thương nghiêm trọng tới niềm tin của người dùng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người sử dụng. Ông nhấn mạnh bảo mật thông tin khách hàng là trách nhiệm cơ bản của FB.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ngày 21/3, nhà sáng lập FB khẳng định sẵn sàng tuân thủ quy định siết chặt của chính phủ sau sự việc này và sẵn sàng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trong trường hợp ông là người phải chịu trách nhiệm.

Zuckerberg cũng cam kết trang mạng lớn nhất thế giới này sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới tại Mỹ và các cuộc bầu cử tại Ấn Độ cũng như Brazil.

Bất chấp những động thái đầu tiên của FB, các chuyên gia công nghệ vẫn đưa ra những cảnh báo, rằng việc bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng trên mạng xã hội không chỉ là trách nhiệm của nhà cung cấp ứng dụng, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia vào các mạng xã hội. Giới chuyên gia khuyên người dùng mạng xã hội thường xuyên nâng cấp mật khẩu và không chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm, như tài khoản ngân hàng, tài khoản email qua Messenger.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...