Nhưng thực ra bão không đến từ Hà Giang. Cũng không phải chỉ lúc này. Giông gió luôn quần đảo bao năm qua bên những kỳ thi, chốn học đường.
Không nhớ hết bao nhiêu sự cố, bi kịch cùng nước mắt đã xảy ra, đã đổ xuống tuổi học trò.
Những tưởng sau rất nhiều cải tiến, nhờ vào các loại công nghệ, trường thi đã bình an hơn. Với vòng trong vòng ngoài dày đặc từ an ninh đến thanh tra, giám thị, thí sinh nào hó hé phạm quy lập tức bị gạch bài. Nhưng giờ mới vỡ lẽ, rằng tại một nơi yên ắng nhất là kho lưu giữ bài thi, một mình ông thầy chỉ với 6 giây âm thầm nhấp chuột cũng đủ cướp đoạt tương lai của người này để ban cho kẻ khác. Đối tượng hưởng những điểm số không tưởng ấy có gia thế tất nhiên không bình thường. Không còn lẻ tẻ vài thí sinh phạm quy nữa, mà một lúc cả trăm bài thi. Chỉ tại một hội đồng chấm thi. Chỉ với vài thao tác đơn giản.
Bão đã đến từ lâu với sự mất phương hướng của giáo dục nước nhà. Dạy dỗ, thi cử, đào tạo để làm gì? Vì cái gì? Xuất phát điểm từ đâu, đích đến ở đâu?... Những câu hỏi sống còn ấy hầu như bỏ ngỏ. Như gần 8.000 lần bấm nút đòi chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục tại nghị trường mới đây khiến hệ thống máy móc của Quốc hội hôm ấy bị “treo” cứng…
Thực ra, không gì dễ hơn là chỉ ra bất cập của một nền giáo dục như của ta. Và cũng day dứt đến khổ sở khi phải làm việc đó. Bởi giáo dục vẫn luôn là nan đề, thậm chí vấn nạn của không ít quốc gia. Nhất là khi quốc gia đó chưa thực sự thoát ra khỏi lối tư duy truyền thống còn nhiều manh mún, bất cập; ngược lại tầm nhìn hạn hẹp ấy còn bị bối cảnh xã hội vốn nhiều phức tạp “tô đậm” thêm. Để rồi cuộc đua thực sự chỉ xoay quanh hai chữ "bằng cấp". Với đích đến là một chỗ yên ổn trong bộ máy. Từ những ngành đang hot như công an, quân đội đến một chỗ ngồi nơi công quyền. Còn bằng cấp, tri thức ấy có tạo ra được giá trị nào dâng hiến cho xã hội không, vật chất lẫn tinh thần, thì vẫn là khoảng trắng đáng sợ.
Những ngày rất buồn này, tôi ngồi đọc lại “Triết lý giáo dục” của Giáo sư Kim Định (1915-1997). Những dòng viết ra từ hơn 50 năm trước của một triết gia luôn đau đáu với minh triết Việt, với giáo dục Việt vẫn như còn ở xa xôi phía trước. Đọc lại câu "Kỳ bổn loạn nhi mạt trị giả phủ hỹ" (Gốc loạn mà trị ngọn là không thể có) ông dẫn theo Khổng Tử. Đọc cả ý này: "Giả sử có khiêng được Sorbonne cả chương trình lẫn giáo sư sang Sài Gòn cũng chỉ thêm được một đống kiến thức vất ngổn ngang ra đó mà sinh viên ta vẫn ngơ ngác thiếu hướng đi, thiếu ý thức, thiếu hồn sống như thường. Vì giả thiết họ có hướng sống đi nữa, điều đó không chước chuẩn chúng ta phải tự suy tư tìm kiếm. Thành công có thể mượn ở ngoại bang được, chứ thành nhân phải trông cậy trước nhất vào mình".
Bão không đến từ Hà Giang. Nhưng những ngày này lũ lụt, thiên tai đang hoành hành khắp nơi với hàng chục người chết, nhà cửa tan hoang. Hậu quả của cơn bão có tên Sơn Tinh do Việt Nam đặt. Trớ trêu, sao không là Thủy Tinh giống như truyền thuyết?
Thiên nhiên môi trường bị tàn phá khiến sơn thần lẫn thủy thần cùng nổi giận. Như cơn giận và nỗi đau đớn mang tên “Hà Giang” hôm nay, bởi sự hủy hoại con người.