Theo báo cáo nhanh của các địa phương, trong ngày bầu cử có 99,16% cử tri cả nước đi bầu. Những địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao là Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh (99,98%). Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất là Nghệ An, nhưng cũng đạt con số 97,3 %.
Về những tình huống phát sinh, qua đường dây nóng của Bộ Nội vụ, có một số cử tri trên địa bàn TPHCM, Hòa Bình phản ánh một số việc liên quan đến thực hiện quyền bầu cử của cử tri. Bộ Nội vụ đã liên hệ với Ủy ban Bầu cử các địa phương nêu trên để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền. Về việc này, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng cho biết, một số nơi đã in sai họ hoặc tên đệm người ứng cử. Qua đó đã yêu cầu tạm dừng bầu cử, niêm phong hòm phiếu sai sót, lập biên bản và in lại phiếu bầu.
Về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trong ngày bầu cử, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, các địa phương bảo đảm nguyên tắc 5K, phân luồng theo giờ. Một số nơi có trường hợp cử tri có triệu chứng ho sốt, thành viên tổ bầu hướng dẫn đi riêng để cử tri bỏ phiếu vào các thùng phiếu dự phòng theo quy định. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương cơ bản tốt, không phát sinh điểm nóng, không có tụ tập đông người gây rối trật tự…
“Có thể nói, đây là một cuộc bầu cử thành công toàn diện, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng quy định và đúng pháp luật. Không khí Ngày Bầu cử thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Cử tri cả nước rất phấn khởi khi cầm lá phiếu trên tay tham gia bầu cử. Trong lúc khó khăn, dịch bệnh như vậy, nhiều người đang phải cách ly, đang nằm trên giường bệnh điều trị COVID-19, nhưng họ vẫn sẵn sàng tham gia bầu cử bằng chính tấm lòng của mình, bằng ý chí, tinh thần dân tộc”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cũng cho biết, hầu hết các Tổ bầu cử đều kết thúc bỏ phiếu đúng theo giờ quy định, một số nơi kết thúc lúc 21 giờ. Trong bối cảnh dịch bệnh, các địa phương đã tổ chức cẩn thận, kỹ lưỡng, đảm bảo vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa bảo vệ được sức khỏe người dân. “Việc bỏ phiếu tại các khu cách ly tập trung, khu vực đang giãn cách được tổ chức chu đáo, an toàn”, ông Cường cho hay.
Công bố sau 20 ngày
Một trong những vấn đề quan trọng được cử tri và dư luận xã hội quan tâm là thời gian công bố kết quả bầu cử ra sao.
Theo quy định tại Điều 86, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015, Hội đồng Bầu cử Quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu QH, chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử.
Còn tại địa phương, Ủy ban bầu cử căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
Luật Bầu cử cũng quy định, việc khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu QH phải được gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu QH.
Trên cơ sở đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu QH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu QH khóa mới cho người trúng cử và báo cáo QH khóa mới ngay tại kỳ họp đầu tiên. Đối với HĐND cũng thực hiện tương tự.
Về thẩm quyền công bố, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đã gửi văn bản tới Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố, lưu ý về một số vấn đề trước, trong và sau ngày bầu cử. Trong đó lưu ý, việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu QH khóa XV trong cả nước thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
bầu Do đó, Ủy ban bầu cử ở các tỉnh, thành phố không được công bố và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả và danh sách những người trúng cử đại biểu QH ở địa phương mình trước khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố.