Bão giật cấp 12-14, không được lơ là

Bão giật cấp 12-14, không được lơ là
TP - Khoảng trưa và chiều nay 19/8, bão số 3 có khả năng giật cấp 12-14, ảnh hưởng trực tiếp khu vực Quảng Ninh-Thanh Hóa. Bão gây mưa lớn đe dọa hệ thống đê biển, sạt lở đất ở vùng núi.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, sau khi đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và vào vịnh Bắc bộ, bão số 3 tiếp tục mạnh thêm.

Mưa lớn, hệ thống đê biển bị đe dọa

 Khoảng 4 giờ sáng nay, bão số 3 nằm trên vùng vịnh Bắc bộ, với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12-14. Sau đó, bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây nam, tốc độ khoảng 15-20 km/h, đi vào đất liền nước ta khoảng trưa 19/8.  Sức gió lúc bão đổ bộ mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14. Tuy nhiên, từ sáng 19/8, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 12-14.

Các nơi khác thuộc vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-11. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định có thủy triều cao 3-4m, kết hợp với sóng biển cao 3-5m.

Tại cuộc họp ứng phó khẩn cấp bão số 3 hôm qua, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, khi vào bờ, lốc xoáy bão số 3 sẽ ít hơn bão số 1 vừa qua,  nhưng có thể gió giật mạnh hơn, tới cấp 14.

Ông Cường cho biết, bão số 3 có hoàn lưu trên 200km, nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng, gây mưa lớn ở toàn vùng đông bắc, đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa, trung du miền núi phía Bắc với tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Các khu vực khác ở Bắc bộ, Hà Tĩnh- Quảng Bình phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), lúc bão đổ bộ là thủy triều đang lên cao, nước biển dâng kết hợp sóng biển gây bất lợi với hệ thống đê điều. “Đê biển của Việt Nam chủ yếu thiết kế để chống bão cấp 9-10, một số vị trí bảo vệ trọng điểm mới thiết kế cấp 11. Do vậy, đây là tình huống rất khó khăn, đặc biệt là một số đoạn để xung yếu, đang thi công ở Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng”- ông Hoài nói.

Bão giật cấp 12-14, không được lơ là ảnh 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Nam Định. Ảnh: Ngân Xuyên.

Cấm biển, chủ động cho học sinh nghỉ học

Đến 19 giờ hôm qua, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã phối hợp với địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 33.865 phương tiện, lồng bè, chòi canh/121.961 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh bảo đảm an toàn.

Bộ Quốc phòng đã huy động trên 183.400 người với trên 26.300 phương tiện, trong đó, trên 1.200 xe ô tô, 13 xe lội nước, gần 360 xuồng, 2 máy bay... phục vụ cứu hộ, cứu nạn.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, hiện hầu hết các hồ chứa ở phía Bắc đã đầy hoặc gần đầy nước. Đặc biệt, ở trung du miền núi phía Bắc có 13 hồ chứa xung yếu đang tích nước mức cao là Ngòi Là 2 (Tuyên Quang), Ghềnh Chè (Thái Nguyên), Khuôn Thần, Làng Thum, Bàu Lày, Trại Muối, Khe Chão (Bắc Giang), Khe Táu, Dân Tiến (Quảng Ninh), Hồng Sạt (Điện Biên), Thanh Lanh, Vĩnh Thành, Làng Hà (Vĩnh Phúc).

Do mưa lớn, những khu vực sau đây có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng cấm biển từ 18/8; vùng nguy hiểm được xác định là Bắc vĩ tuyến 17.  Đồng thời rút kinh nghiệm về neo đậu tàu thuyền trú tránh trong cơn bão số 1, làm trên 1.300 tàu thuyền nhỏ bị đánh chìm, hư hại.

“Khu vực phía Bắc đang no nước hai cơn bão, nên nguy cơ sạt lở cao nhất. Có trên 2.000 điểm nguy hiểm về sạt lở, lũ quét cần có giải pháp cụ thể để di dời người dân”-Bộ trưởng Cường nói.

Nam Định: Tập trung bảo vệ tuyến đê xung yếu

Sau khi kết thúc cuộc họp khẩn cấp ứng phó bão số 3 hôm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại Nam Định.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch tỉnh Nam Định cho biết, hiện tỉnh vẫn còn đang khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 1 thì bão số 3 lại ập tới. Nam Định đã chuẩn bị vật liệu gia cố đê, cụ thể đã chuẩn bị 1.000 rọ đá, bổ sung 1.500 rọ để rải ở những điểm xung yếu. Hiện địa phương cũng đã chuẩn bị phương án bơm nước cưỡng bức để chống ngập úng.

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình neo đậu tàu, thuyền tại cảng cá Ninh Cơ, kiểm tra tuyến đê biển Hải Hậu. Tỉnh Nam Định có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 vào thời điểm triều cường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Nam Định hết sức chú ý đê biển Hải Hậu, do đây là tuyến đê được cứng hoá một phần, trong khi cốt đê khá yếu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng  yêu cầu Nam Định ưu tiên số một là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Nam Định tính toán phương án cho học sinh ở tất cả các cấp học không phải đến trường. Tuyệt đối cấm các hoạt động du lịch và tập trung bảo vệ các công trình xây dựng. Đặc biệt, tập trung bảo vệ đê biển bằng phương tiện, vật tư tại chỗ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo phòng chống bão tại Hải Phòng

Chiều 18/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng. Phó Thủ tướng đã kiểm tra tuyến đê biển Đồ Sơn. Quận Đồ Sơn cho biết đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, toàn bộ 278 tàu thuyền đánh cá đã neo đậu tại bờ.              

              Đỗ Hoàng

Sẵn sàng ứng cứu các điểm đê xung yếu

Chiều 18/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương về công tác dự báo bão và chỉ đạo việc phòng chống bão số 3. Thủ tướng yêu cầu phải thông báo đến người dân đây là bão lớn, giật cấp 12-14. Khi cần thiết phải di dời dân. “Tất cả các địa phương sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu, nguy hiểm”, Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh “không được chủ quan đối với bão số 3”.

Lo lắng về mưa lớn có thể xảy ra gây ngập sâu, Thủ tướng lưu ý công tác cấp điện phải thường xuyên, bảo đảm các trung tâm, trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt. “Cần thiết thì đặt một số trạm bơm trung gian chạy bằng dầu để hỗ trợ một số vùng có nguy cơ ngập kéo dài gây chia cắt. Do đó, ngành điện cần chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời. Đừng để bão đã qua một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện”, Thủ tướng nêu rõ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó với bão, trong đó yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và cơ quan khí tượng thủy văn các địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ.

Các địa phương chủ động cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tiêu thoát nước chống ngập úng đối với sản xuất nông nghiệp và tại các đô thị, khu dân cư trên địa bàn. Các địa bàn ven biển cấm tàu thuyền ra khơi, sử dụng mọi biện pháp thông báo cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các cuộc họp không cấp thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão. Thủ tướng phân công các phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam về các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình để chỉ đạo phòng chống bão.

Văn Kiên

MỚI - NÓNG