Không quá nhộn nhịp hay ồn ào, phiên chợ quê dân dã với nhiều thứ bánh thơm ngon, nao nức lòng người. Thu hút ánh mắt của người đi chợ là chõ bánh nghệ vàng rộm một vùng.
Chõ bánh nghệ trong phiên chợ của bà Hỡi
Bánh có tên là bánh Nghệ bởi nguyên liệu chính là gạo tẻ và nghệ vàng. Nhưng thành công quan trọng của bánh nghệ là nhân bánh. Nhân bánh được bà Hỡi làm từ nước mắm, mỡ nước, tóp mỡ, thịt, hành khô và hạt tiêu.
Bánh có hình thoi hoặc tròn, tùy người lặn bánh. Nếm chiếc bánh nghệ, người ăn sẽ cảm nhận ngay được hương thơm của đất trời. Thoang thoảng hương thơm của nghệ, bùi dẻo của gạo tẻ, vị ngậy béo của thịt, mỡ và hành khô. Ăn xong bánh, cái dư vị quê hương vẫn còn quyện vào nơi đầu lưỡi.
Tưởng như đơn giản, nhưng làm ra chiếc bánh nghệ phải trải qua rất nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. Như bà Hỡi nói thì “để có được chõ bánh nghệ thơm ngon vàng tươi cũng cầu kỳ, kiểu cách lắm”.
Muốn bánh có màu vàng tươi, phải kén chọn nghệ già, rửa sạch, rồi luộc chín vừa, giã lấy nước, sau đó mới nhào với bột gạo. Có như vậy bánh với có màu ưng ý, mùi thơm đặc biệt và không có mùi hăng của nghệ.
Gạo làm bánh là gạo tẻ, không phải gạo nếp như nhiều loại bánh khác, gạo được chọn phải là gạo Thái Bình, ngâm cho vừa đủ dẻo, rồi nghiền thành bột. Bột phải ba phần ướt một phần khô, có như vậy bánh mới dẻo, không bị dính vào nhau và dễ ăn. Tiếp theo là công đoạn xôi bột, đây cũng là công đoạn khó nhất, xôi phải lên được hơi, việc này không phải ai cũng làm được.
Sau khi bột chín dùng tay nhào lặn cho thật kỹ lúc bột còn nóng, người làm bánh phải khéo léo nặn nhân đã làm sẵn vào bột nóng. Các công đoạn cũng mất đến 4 tiếng. Sáng hôm sau, dậy sớm bắc nồi bánh lên bếp hấp từ 1,5 giờ đến 2 giờ rồi mang ra chợ bán.
Thức quà quê đặc biệt này, không chỉ thơm ngon mà giá cũng phù hợp. Khách hàng chính của chị em bà Hỡi là các cháu học sinh đi học và người đi chợ sớm. Hương vị quen mà lạ, người ta chọn bánh nghệ vì nó thơm ngon, dân dã, không xa xỉ, với vài nghìn đồng bánh nghệ đã giúp người ta chắc bụng đến tận buổi trưa.
Cô Thu, một tiểu thương ở tận bên Nam Định sang chợ phiên từ sáng. Cô ghé qua nồi bánh nghệ của bà Hỡi. Cô chia sẻ “đây là thứ bánh lạ lùng, chưa thấy chợ nào có, nó có mùi vị rất đặc biệt. Giữa chợ vô vàn các loại bánh, cô chọn nó vì nó không có hóa chất, lại làm từ nghệ, giúp cô giải quyết phần nào bệnh đau dạ dày”.
Gần 30 năm làm bánh, bà Hỡi nhớ lại kỉ niệm “ngày trước phải giã gạo bằng tay, rất vất vả, giờ thì đã có máy xay bột sẵn, công việc đã nhàn hơn”. Điều đặc biệt và cũng không lí giải nổi, năm nào chị em bà cũng có vài nồi bánh bị hỏng, khi xôi bánh bị dính vào nhau, không bán được như là thử thách của tổ nghề.
Khác các thức bánh khác, chưa hết buổi chợ, nồi bánh nghệ đã hết. Người đi chợ quen, thấy bánh nghệ là mua. Mua không chỉ bởi nó lạ mà nó còn gần gũi, hợp khẩu vị với bao người. Thức bánh này ngày càng được ưa chuộng, nhiều người biết đến không chỉ bới giá trị ẩm thực, mà còn là giá trị dinh dưỡng tuyệt vời từ nghệ.
Nồi bánh của bà Hỡi, không đủ nuôi sống cả gia đình, nhưng cũng đủ tiền thức ăn và mua sắm vật dụng hàng ngày. Còn chợ quê, là bà còn làm bánh nghệ. Giữa vô vàn các thứ bánh len lỏi vào các ngõ ngách từng ngôi nhà thì bánh nghệ vẫn là thức bánh mà người con quê lúa lựa chọn khi quay về thăm quê.