Ông Phạm Gia Ngọc, cán bộ ngành Văn hoá Thông tin, phường Phương Liên, quận Đống Đa cho biết, điểm chung của các quán karaoke trên đường Xã Đàn đều làm biển quảng cáo rất lớn, tạo ấn tượng cho khách hàng. Các vật liệu làm biển bằng Alumi, polycarbonate… Đây là những chất liệu dễ bắt lửa, dẫn nhiệt, chỉ cần một điểm bắt lửa là lan rất nhanh. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, các đơn vị quảng cáo thường sử dụng dây điện, đèn led, chữ… rẻ tiền, dễ phóng điện sinh hoả hoạn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, đa phần các quán karaoke trên địa bàn thành phố đều chưa có thẩm duyệt PCCC. Hầu hết là những ngôi nhà thiết kế dạng nhà ống, chỉ có 1 lối thoát ở tầng trệt, cùng các vật liệu xốp, vải… dễ bắt lửa, khi cháy lan nhanh, tạo khói độc rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, các quán karaoke đều thiết kế biển quảng cáo to, bắt mắt che phần lớn tòa nhà, bịt kín toàn bộ các lối thoát hiểm cửa sổ. “Như vụ cháy ở karaoke ở Nguyễn Khang, lực lượng PCCC phải rất vất vả để tiếp cận đám cháy do vật liệu khung thép làm biển quảng cáo rất chắc chắn”, lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nói.
Ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy nơi vừa xảy ra vụ cháy quán karaoke địa chỉ 84G Nguyễn Khang ngày 17/9/2016. Theo khảo sát, địa bàn tập trung khoảng 20 quán karaoke, đa phần các biển quảng cáo được thiết kế chiếm phần lớn mặt tiền, bít toàn bộ cửa sổ các tầng trên.
Khó xử phạt vì chồng chéo
Ngày 4/11, các quận nội thành như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… đã kiểm tra, rà soát biển quảng cáo tại các quán karaoke, nhà hàng trên địa bàn. Các tuyến đường nhiều quán karaoke như: Nguyễn Khang, Trần Duy Hưng, Trần Thái Tông… có một số quán đã tiến hành tháo dỡ một phần biển quảng cáo hiện có. Một số khác lấy bạt bọc lại biển quảng cáo hoặc tạm dừng
hoạt động.
Hiện nay, có tình trạng nhiều chủ quán chấp nhận bị phạt để tiếp tục kinh doanh, bởi số tiền phạt không thấm vào đâu so với số tiền bỏ ra để trang bị các phương tiện, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn PCCC.
Đại diện Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội cho biết, đối với những biển quảng cáo có tổng diện tích trên 20m2 thì phải xin giấy phép xây dựng. Về kích thước của biển quảng cáo, Thông tư số 19/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định, tại mặt tiền công trình, nhà ở, mỗi tầng chỉ được đặt một bảng quảng cáo ngang, chiều cao tối đa 2m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền. Với bảng quảng cáo dọc, chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m...
Trên thực tế, nhiều quán karaoke, nhà hàng lắp biển quảng cáo rộng hơn 20m2 nhưng lại không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành nào.
Hiện có sự chồng chéo trong quản lý các biển quảng cáo. Ngành văn hoá quản lý biển hiệu dưới 20m2, nhưng quá 20m2 thì lại do thanh tra xây dựng xử lý.