Bàn về Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia: Cần thiết!

Người dân uống bia ngoài vỉa hè trên phố Tạ Hiện - Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Người dân uống bia ngoài vỉa hè trên phố Tạ Hiện - Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TP - Ngày 9/9, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tranh cãi về dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất kinh doanh bia do Bộ Công Thương soạn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quy định cấm bán bia cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vì khó thực hiện. 

Nên cấm kinh doanh bia trên vỉa hè 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bày tỏ thái độ ủng hộ và khẳng định việc ban hành Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia là cần thiết. 

“Tôi cho rằng việc cấm bán bia tại trường học, công sở, vỉa hè là hoàn toàn đúng đắn. Việc kinh doanh trên vỉa hè, Nghị định 186 của Chính phủ về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và trong Thông tư của Bộ Xây dựng cũng đã quy định rất rõ là cấm sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa vật liệu... Do đó, việc quy định cấm bán bia trên vỉa hè là phù hợp”, bà Lan nói. 

Bà Lan thẳng thắn: “Các đồng chí đã đi nhiều nước, có nước nào người ta sử dụng vỉa hè để kinh doanh đâu. Duy chỉ có Việt Nam và một số nước kém phát triển cứ bày tràn lan ra vỉa hè. Vì thế nên dẫn đến ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị, mất an toàn giao thông, không kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo bà Lan, việc cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi các nước cũng làm rồi nên Việt Nam cũng nên thực hiện. 

TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, Nghị định ra đời “tôi cho là cần thiết”. Theo TS Việt, thực tế, dự thảo Nghị định này được xây dựng dựa trên cơ sở thực hiện Quyết định của Thủ tướng (về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 - PV). 

Về vi phạm và xử lý vi phạm, theo TS Việt, “việc cảnh báo đưa ra trong nghị định là cần thiết”. Tuy nhiên, dự thảo nên quy định cụ thể đối với lái xe, người đang mang bầu giống như một số nước (có cảnh báo trên sản phẩm) để họ không bán cho những đối tượng này. “Về vi phạm và xử lý vi phạm có 14 mục, tôi cho là đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc cấm bán bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; người đang mang bầu hoặc cho con bú rất khó kiểm soát. Một xã hội văn minh, việc cấm đó là cần thiết; tuy nhiên, hiện chúng ta chưa kiểm soát được nên khoan hãy đưa vào Nghị định”, TS Việt kiến nghị. 

Ông Lữ Bằng, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cùng đồng tình việc cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi. “Về quy định cấm bán bia cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên bỏ, không đưa vào nghị định”, ông Bằng đề xuất.

“Không phải chưa kiểm soát được là cấm”

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trước ý kiến góp ý của bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ GTVT).

Khi được giới thiệu góp ý, bà Trịnh Thị Hằng Nga bày tỏ quan điểm không đồng ý với nhiều quy định đưa ra trong dự thảo của Bộ Công Thương. “Bộ Công Thương cần phải dựa trên nguyên tắc là không nên vì quản lý chưa được nên mới cấm. Mọi quy định phải minh bạch rõ ràng, phải hướng tới cải cách thủ tục hành chính cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, bà Nga nói. 

Theo bà Nga, nếu đứng ở góc độ doanh nghiệp, với những quy định về giấy phép kinh doanh trong dự thảo Nghị định, không biết phải làm thế nào để có giấy phép. “Đặt địa vị là người đi xin giấy phép, tôi cũng không biết phải làm gì để có thể xin được giấy phép với những quy định như trong dự thảo của quý Bộ”, bà Nga thẳng thắn.

Trước ý kiến của bà Vụ trưởng Pháp chế (Bộ GTVT), Thứ trưởng Bộ Công Thương cắt lời: “Ở đây, không phải không kiểm soát được là cấm. Vấn đề là lấy ý kiến để xem nên đưa ra theo hình thức nào”. 

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa phát biểu: “Đa số các ý kiến phần lớn đều cho rằng việc xây dựng Nghị định là cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn về một số điều, khoản trong dự thảo. Chúng tôi sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng dễ thực hiện hơn”.

Ông Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: Quy định thiếu thực tế

Bình luận về dự thảo của Bộ Công Thương, ông Học cho rằng, đặt ra những quy định mang tính cấm, người soạn thảo quy định phải cân nhắc chế tài áp dụng trong trường hợp người vi phạm sẽ thế nào, tính thực tế, khả năng thực thi ra sao. Nếu không thận trọng, không cân nhắc, nhiều quy định cấm rất hình thức.

Quy định như dự thảo Nghị định của Bộ Công Thương là thiếu thực tế, thiếu khả thi. Tại vì, nếu nói cấm uống rượu bia trên vỉa hè, nhưng còn các hàng quán kinh doanh thứ khác bày bán sẽ xử lý thế nào. Hoặc với phụ nữ có thai, cấm mua hay cấm bán phải phân định rạch ròi. Cấm bán thì có cấm được không? Nếu cấm mua, người khác mua về và phụ nữ có thai, đang cho con bú uống sẽ làm sao. Liệu quy định như vậy, cái mình mong muốn có đạt được không, tôi cho là rất khó.

Lê Hữu Việt 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.