Chiều 14/2 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, từ ngày 15 đến 16/2, theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ngày 15/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, ASEAN tham dự phiên thảo luận về kinh tế-thương mại và phiên thảo luận về chính trị-an ninh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số quốc gia tham dự Hội nghị. (Xem chi tiết)
Số liệu công bố ngày 14/2 của Ủy ban Phát triển du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết trong Tuần lễ Vàng Tết Nguyên đán năm nay, du khách Trung Quốc đã “đổ xô” tới các cửa khẩu ở Đông Hưng, Bằng Tường, Long Bang giáp với Việt Nam để đến Việt Nam du lịch hoặc qua Việt Nam để đến các nước Đông Nam Á khác và đây đã trở thành trào lưu của nhiều du khách Trung Quốc. Tính đến tối 13/2, trong Tuần lễ Vàng vừa qua, hơn 2.700 đoàn du khách Trung Quốc đến Móng Cái du lịch một ngày, với 25.000 lượt người - mức cao kỷ lục.
Khoảng 11h30 15/2, sau giờ tan học, em Võ Ngọc Trọng Hiếu (15 tuổi, trú tại KP.3, P.Phú Trinh, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du, TP.Phan Thiết) đang lấy xe gởi trước cổng trường để về nhà thì bị một nhóm thiếu niên chặn đánh. Cả nhóm dùng mũ bảo hiểm và dao đâm, chém khiến Hiếu gục xuống. Hiếu cố lết vào nhà dân gần đó kêu cứu nhưng bị nhóm thiếu niên kéo ra ngoài tiếp tục đánh. Gần 10 phút sau sự việc mới được người dân can ngăn. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trước khi đến bệnh viện. (Xem chi tiết)
Thông tin từ Ủy ban Nhân dân xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lực lượng chức năng địa phương vừa triển khai cứu nạn thành công ngư dân Ngô Tới, trú tại thôn Sơn Trà bị trôi dạt trên biển trong điều kiện thời tiết sóng to gió lớn. Trước đó, vào khoảng 8h ngày 15/2, khi ông Tới đang hành nghề lưới thúng tại khu vực cách cửa biển Sa Cần chừng 15 hải lý thì bất ngờ tàu bị chết máy, trôi dạt tự do.
Ngày 15/2, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin cho rằng bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm thực hiện các chuyến bay của những chiến đấu cơ từ các đường băng trên các hòn đảo nhân tạo mới mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông, đều có thể gây mất ổn định. Các nhà phân tích an ninh khu vực và Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu sử dụng những đường băng mới xây dựng trái phép trên cho các hoạt động quân sự trong vài tháng tới.
Sự hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Syria không nhận được sự ủng hộ của phương Tây đã đẩy quốc gia Trung Đông này trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện với sự tham gia tiềm tàng của Iran và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang muốn trực tiếp xâm lược Syria với sự hỗ trợ của Saudi Arabia. Mục tiêu chính của chính quyền Ankara: lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad và đàn áp người Kurd ở Syria. (Xem chi tiết)
Ngày 15/2, hãng thông tấn nhà nước ANA của Hy Lạp đưa tin máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần xâm phạm không phận nước này, trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẵn sàng triển khai tàu đến Biển Aegean để ngăn chặn nạn buôn người. Theo hãng trên, 6 máy bay chiến đấu cùng 1 máy bay vận tải hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm không phận Hy Lạp hơn 20 lần tại khu vực gần phía Đông và trung tâm đảo Aegean. Các chiến đấu cơ Hy Lạp đã xuất kích để ngăn chặn song máy bay hai bên đã không nổ súng giao chiến.
Mùa Xuân này, Không quân Mỹ sẽ điều 6 máy bay tiêm kích F-15 tham gia cuộc tập trận ở Phần Lan. Các máy bay sẽ khởi hành từ căn cứ quân sự tại bang Oregon. Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 9-22/5 theo yêu cầu của phía Mỹ trong khuôn khổ chương trình "Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương,". Trong khuôn khổ cuộc diễn tập, các tiêm kích Mỹ sẽ bay cách biên giới với Nga khoảng 160 km.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 15/2, đánh giá chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn của Liên minh châu Âu (EU) đã thất bại, khẳng định nước này sẽ không chấp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn theo kế hoạch. Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II, trong đó gần một nửa số người di cư là người tị nạn chiến tranh từ Syria. Tuy nhiên, hiện các nước trong khu vực vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.