Hà Nội yêu cầu khẩn trương chấn chỉnh việc đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường tại công trường thi công. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động xây dựng công trình liên quan đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ thi công đối với các đơn vị thi công không đúng giấy phép.
Bà Trần Thị Liên - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu cho biết, vào khoảng 0 giờ ngày 6/11, bé gái gần 2 tháng tuổi bị tử vong sau khi tiêm vắcxin phòng bệnh Lao-BCG gần một ngày. Bà Liên khẳng định nguyên nhân dẫn đến tử vong không phải là do tiêm chủng. Vì không khai thác kỹ và nhận biết rõ tiền sử bệnh lý của cháu bé nên cán bộ y tế đã thực hiện tiêm trong khi cháu đang bị ốm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy, đồng thời thực hiện kỷ luật đối với hai cán bộ trực tiếp tiêm vắcxin hôm đó.
Ngày 7/11, quân đội Ukraine cho biết 6/11 là ngày đẫm máu nhất của lực lượng nổi dậy ở miền Đông khi mất “đến 200” chiến binh trong các cuộc giao tranh với quân chính phủ ở sân bay thành phố Donetsk. Trong một diễn biến liên quan, Người phát ngôn Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Andrei Lysenko thông báo giao tranh gia tăng ở các khu vực Donetsk và Lugansk đã khiến 5 lính chính phủ thiệt mạng và 16 người bị thương trong vòng 24 giờ qua.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, họ đang xác minh thông tin về viêc Nga đã đưa quân đội và xe tăng vượt biên giới Ukraine. NATO “đang xem xét một cách nghiêm túc thông tin trên".“Nếu các thông tin trên được xác nhận, thì đó sẽ là bằng chứng nữa về sự can dự trực tiếp của Moscow trong việc gây bất ổn tình hình ở phía Đông - Nam Ukraine”, tuyên bố của NATO nêu rõ. (Xem chi tiết)
Ngày 7/11, văn phòng báo chí của Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết, tập đoàn này đã gửi Ukraine một hóa đơn yêu cầu thanh toán trước 2 tỷ m3 khí đốt cung cấp trong tháng 11 với giá 378 USD/1.000 m3, mức giá này là theo hợp đồng. Trước đó ngày 6/11, Ukraine không có kế hoạch thanh toán trước các khoản tiền mua khí đốt do tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cung cấp. Nhu cầu khí đốt sẽ phụ thuộc vào mức tiêu thụ của Ukraine.
Giới chức “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk tự xưng ngày 7/11 cho biết, họ đã phát hiện thêm một số hài cốt của nạn nhân vụ MH17 tại hiện trường trong quá trình thu thập mảnh vỡ máy bay phục vụ công tác điều tra tai nạn. Thư ký báo chí của Bộ Giao thông Vận tải “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk tự xưng cho biết, công việc điều tra tại hiện trường tạm dừng một ngày, các chuyên gia sẽ tiếp tục thu thập các mảnh vỡ của máy bay vào Chủ nhật, ngày 9/11. (Xem chi tiết)
Từ năm 2003, hơn 600 binh sỹ Mỹ thông báo rằng họ đã bị phơi nhiễm các chất đọc hóa học ở Iraq, cao hơn nhiều so với con số mà Lầu Năm Góc công bố trước đó. Dẫn lời các quan chức quốc phòng, tờ New York Times cho biết Lầu Năm Góc đã không thừa nhận quy mô các trường hợp thông báo bị phơi nhiễm chất độc hóa học hoặc đưa ra sự theo dõi cũng như điều trị hợp lý đối với các binh sỹ có thể sẽ bị thương tổn này. (Xem chi tiết)
Ngày 7/11, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn việc cử thêm tối đa 1.500 binh sĩ đến Iraq để hỗ trợ chính quyền Baghdad và lực lượng người Kurd đang giao chiến với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), tăng gần gấp đôi số binh sĩ Mỹ ở quốc gia Vùng Vịnh này. Trong số 1.500 binh sĩ này sẽ bao gồm một nhóm cố vấn giúp các lực lượng Iraq lên kế hoạch tác chiến và một nhóm chuyên gia huấn luyện, những người sẽ được triển khai trên khắp nước này.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Nikolai Bordyuzha ngày 7/11 cho biết, Nga tin rằng Liên minh chống khủng bố quốc tế đã tan rã. Ông Bordyuzha tuyên bố: “Sự xuất hiện của ngày càng nhiều tổ chức khủng bố được tổ chức và phối hợp chặt chẽ hơn là kết quả của sự tan rã trên thực tế của Liên minh Chống khủng bố”. Ông nhấn mạnh Liên minh chống khủng bố không thể tồn tại nếu không có sự hợp tác giữa CSTO và NATO.
Trung Quốc và Nhật Bản vừa đồng ý giảm căng thẳng vì tranh chấp chuỗi đảo trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh nói rằng, một cơ chế quản lý khủng hoảng đã được lập ra để ngăn tình hình xấu đi. Các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được đồng thuận 4 điểm, trong đó thừa nhận đang tồn tại “quan điểm khác biệt” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát. Hai bên đồng ý “ngăn ngừa tình hình xấu đi thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý khủng hoảng để tránh các tình huống bất ngờ. (Xem chi tiết)