Khi tiếp viên đang kiểm tra thẻ lên máy bay thì một nam hành khách bất ngờ buông lời dọa bom. Sự việc ngay lập tức được báo với lực lượng chức năng và chuyến bay buộc phải hoãn để thực hiện kiểm tra an ninh, xử lý vi phạm. Sự việc nói trên xảy ra với chuyến bay của VietJetAir từ Hà Nội đi Nha Trang sáng sớm nay (12/6), đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã xác nhận tin này. (Xem chi tiết)
Trước tình hình bất ổn chính trị trong nước ở Thái Lan, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất với tỉnh Bình Định lùi thời gian báo cáo nghiên cứu khả thi dự án lọc dầu Nhơn Hội 27 tỷ USD chậm một tháng so với kế hoạch. (Xem chi tiết)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vừa tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, chính phủ Trung Quốc ủng hộ chính sách ngoại giao hòa bình và tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Dù có nhiều hành động hung hăng và bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực, Trung Quốc lại vừa nói rằng, họ “tôn trọng quyền hàng hải của các nước khác và ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ”. (Xem chi tiết)
Liên Hợp Quốc sẵn sàng làm trung gian hòa giải Việt Nam và Trung Quốc, sau khi cả hai nước gửi công hàm liên quan đến căng thẳng trên Biển Đông lên Tổng thư ký Ban Ki-moon. Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho hay nếu các bên liên quan yêu cầu, Tổng thư ký Ban sẽ đứng ra hòa giải. Theo ông Dujarric, ông Ban hy vọng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngày 11/6, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết kêu gọi Trung Quốc kiềm chế hành vi ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa. Nghị quyết khẳng định việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép tại vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa và thông báo khu vực cấm tàu bè trên Biển Đông khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Những vỏ đạn còn sót lại sau các cuộc pháo kích do quân đội Ukraine tiến hành đêm 11, rạng sáng 12/6 cho thấy dấu hiệu của hóa chất phốt-pho. Chất này vốn nằm trong danh mục cấm sử dụng theo Công ước sử dụng vũ khí thông thường Geneva. Các chứng cứ từ thực địa cho thấy “các viên đạn pháo phát nổ ở độ cao thấp phát tán hóa chất gây cháy xuống nhiều khu vực của làng". (Xem chi tiết)
Đêm 11/6, Israel đã tiến hành một cuộc không kích vào Dải Gaza làm 1 người Palestine thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Quân đội Israel tuyên bố đã nhằm vào mục tiêu "những kẻ khủng bố có liên hệ với các phần tử thánh chiến quốc tế." Trước đó, trong ngày 11/6, một rocket từ Gaza đã bắn vào khu vực Eshkol của Israel nhưng không gây thương vong.
Ngày 11/6, một kẻ đánh bom liều chết đã sát hại 4 binh lính người Chad thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali MINUSMA tại một doanh trại quân đội ở thị trấn miền núi Aguelhok, đông bắc Mali. Kẻ đánh bom đã lái xe ôtô chở chất nổ tới cổng doanh trại, nơi các binh lính Mali và MINUSMA đóng quân, và kích nổ bom. Vụ tấn công cũng làm 10 người bị thương, trong đó có 6 binh sỹ MINUSMA và 4 thành viên của các lực lượng vũ trang Mali.
Ngày 12/6, phiến quân Hồi giáo đã chiếm hai thành phố lớn ở Iraq và đang tiến gần tới thủ đô Baghdad, buộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải mở cuộc họp khẩn. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq & Levant (ISIL) đã chiếm thành phố Mosul và Tikrit, quê hương của tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein. ISIL cũng đã kiểm soát một khu vực rộng lớn ở miền bắc Iraq khiến hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà cửa di tản.