Vì việc này mà một viên tướng cùng một đội nhân viên của cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (National Security Agency-NSA) phải vào cuộc, xây dựng chương trình chống xâm nhập dữ liệu cho những chiếc máy bay không người lái của không quân Mỹ.
Các sử gia của NSA trong cuốn sách On watch: Profiles of the National Security Agency’s Past 40 Years (tạm dịch: Hồ sơ NSA 40 năm qua) viết rằng “những gì diễn ra trong chương trình do thám bằng máy bay không người lái của không quân Hoa Kỳ cho thấy sự dễ bị tổn thương của hệ thống thông tin liên lạc và sự sẵn sàng của một đối thủ thông minh trong việc khai thác những lỗ hổng ấy”.
Năm 2007, NSA tung ra một phiên bản cuốn sách nói trên, được biên tập và kiểm duyệt kỹ càng, để đáp lại một yêu cầu công khai thông tin theo luật Mỹ.
Theo đó, từ năm 1964 trở đi, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ thường xuyên cho sử dụng máy bay không người lái Ryan Model 147 để bay do thám vùng trời Bắc Việt. Tuy nhiên, số lượng máy bay bị bắn hạ hay vô hiệu hóa không ngừng tăng lên.
Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) lúc đầu xem xét khả năng có rò rỉ thông tin về chương trình do thám bằng máy bay không người lái trong năm 1967. Tuy nhiên, trước đó, nhiều nhà phân tích của NSA cho rằng quân đội Bắc Việt, với sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài, đã phá được mật mã của không quân Mỹ. Họ thậm chí còn nghe được quân Mỹ liên lạc với nhau qua hệ thống sóng vô tuyến.
Và vì thế, quân Bắc Việt hầu như đã biết trước các cuộc không kích của Mỹ. Các máy bay do thám không mang theo vũ khí, nhưng không quân Mỹ dùng chúng để trinh sát những vị trí có thể ném bom. Quân Bắc Việt dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông”, bố trí ngay các phòng tuyến phục kích, định vị các máy bay không người lái và bắn hạ chúng.
Trước tình thế này, tướng an ninh Earle Wheeler, người sau đó trở thành Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, đã nổi điên. Sau khi nghe báo cáo, ông ta đã chửi thề. Một cuốn sách cũng do NSA phát hành, xuất bản năm 2007 mô tả rằng, Wheeler đấm mạnh xuống bàn và văng ra: “Mẹ kiếp, chúng ta đã bị xâm nhập”.
Để tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục, Wheeler cho khởi động chiến dịch Rồng tím (Purple Dragon), huy động một đội đặc vụ gồm các thành viên đến từ NSA, cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và nhiều nhánh tình báo khác của quân đội.
Tất nhiên, những chiếc UAV (Unmanned Aerial Vehicle - thiết bị bay không người lái) của quân đội Mỹ lúc đó vẫn còn sơ khai, không thể sánh với những UAV công nghệ cao hiện nay.
Thay vì cất cánh thẳng từ đường băng, những chiếc UAV hồi đó phải nhờ sự trợ giúp của máy bay vận tải DC-130 loại thiết kế đặc biệt để thả máy bay không người lái, được gọi là “tàu mẹ”. Chiếc DC-130 này, phát triển từ loại máy bay vận tải cánh quạt C-130, sẽ mang theo máy bay không người lái Ryan lên không trung. Khi đạt độ cao cần thiết, “tàu mẹ” sẽ thả chiếc Ryan, để nó bay về phía điểm đến định trước thông qua chế độ bay tự động (autopilot).
Chiếc máy bay do thám sẽ chụp ảnh từ nhiều độ cao hoặc dùng thiết bị quét sóng, tùy theo nhiệm vụ. Một số máy bay do thám còn có thêm nhiệm vụ phát hiện radar của đối phương hoặc thả truyền đơn.
Khi đó, không giống như bây giờ, máy bay không người lái của không quân Mỹ cũng không thể hạ cánh như máy bay thông thường. Sau khi chiếc Ryan bay đến điểm thu hồi, động cơ của nó ngưng hoạt động và một cái dù bung ra.
Trong khi chiếc máy bay không người lái đang còn lơ lửng trên không trung, một trực thăng CH-3 bay tới, với phương pháp rất thủ công là dùng néo móc vào dù, thu hồi chiếc máy bay không người lái, mang về căn cứ.
Minh họa cảnh thu hồi máy bay không người lái Ryan.
Mục tiêu ngon ăn
Tuy nhiên, những chiếc Ryan 147 rất dễ bị tên lửa đất đối không, súng phòng không và máy bay chiến đấu của đối phương bắn hạ. Tốc độ bay của nó khá thấp và Ryan trở thành mồi ngon của các phi công lái Mig của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tài liệu của NSA nhận định: “Các tư lệnh Mỹ tin rằng các đơn vị phòng không Bắc Việt không thể liên tiếp thành công nếu không biết trước thời điểm đến cũng như độ cao của các máy bay không người lái”.
Ở Nam Việt Nam, nhóm điệp viên Mỹ có tên Rồng tím phát hiện ra rằng quân đội Bắc Việt đã phá được hệ thống mật mã của máy bay trinh sát không người lái. Họ đã tìm cách bịt lỗ hổng, áp dụng các biện pháp đảm bảo bí mật thông tin liên lạc. Và tỷ lệ UAV của Mỹ bị hạ giảm hẳn đi trong một thời gian. Tuy nhiên, tình hình này kéo dài không lâu. Các UAV tiếp tục rơi. Đội Rồng tím lại được triệu tập.
Sau một thời gian, nhóm này nhận thấy cho dù đã đảm bảo bí mật thông tin trên sóng vô tuyến mặt đất, chiếc máy bay DC-130 “tàu mẹ” vẫn truyền đi những thông điệp không được bảo mật. Vì vậy, không quân Mỹ đã cho thay thế, lắp đặt thiết bị mới trên chiếc DC-130.
Mặc dù vậy, họ vẫn nơm nớp lo ngại và tìm mọi cách để giữ bí mật về chương trình do thám không người lái. Trong 8 năm, chương trình đổi tên 4 lần, từ Blue Spring, Bumble Bug, Bumpy Action và cuối cùng là Buffalo Hunter.
Tuy nhiên, từ 1970 đến 1972, không quân Mỹ vẫn mất hơn 100 máy bay không người lái. “Nhiều chiếc rơi không rõ nguyên nhân”, báo cáo của quân đội Mỹ giải thích. “Có thể là do hành động của đối phương, nhưng cũng có thể là hệ thống dẫn đường chỉ dẫn sai hoặc có trục trặc kỹ thuật”.
Người Mỹ đã cảnh giác hơn rất nhiều sau khi mất cả loạt máy bay do thám không người lái trên chiến trường Việt Nam. Nhưng vẫn còn đó một bài học. Khi anh dùng máy bay không người lái do thám trên vùng trời một đất nước khác, anh cũng có thể bị do thám ngược. Bốn năm trước đây, một trong những máy bay do thám tàng hình của tình báo Mỹ (CIA) loại RQ-170 rơi xuống Iran mà rất có thể là do người Iran đã phá được mã của nó. Về việc này, có thể nói người Việt Nam đã đi trước từ lâu.