Như Tiền Phong thông tin, thông báo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu rõ những vi phạm tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đáng chú ý. năm 2017, trường không được thông báo chỉ tiêu văn bằng 2 khối ngành VII (Ngôn ngữ Anh) nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo 138 sinh viên ngành này. Năm 2018, không có chỉ tiêu văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng trường vân tuyển 342 sinh viên. Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà trường phải báo cáo Vụ Giáo dục Đại học và đề xuất phương án xử lý.
“Nhà trường dù không có chỉ tiêu tuyển sinh nhưng do sinh viên tại trường học các ngành ngôn ngữ khác đăng ký nên phát sinh. Sinh viên phải thi đầu vào, học trên lớp, thi đầu ra mới được cấp bằng. Ở đây, nhà trường có sai là không đăng ký chỉ tiêu, đã bị xử phạt hành chính. Không thể hủy bằng cấp của các sinh viên vì các em không có lỗi” (!?) – ông Nhị cho biết.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ GD&ĐT còn nêu, hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh năm 2017 của các nghiên cứu sinh của 3 thí sinh (C.A.Th, N.T.T.Đ, H.D) có dấu hiệu không phải là hồ sơ dự tuyển năm 2017. Thanh tra yêu cầu trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội rà soát, làm rõ dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu giả mạo hồ sơ đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Kết luận sai phạm về giáo trình có đường lưỡi bò
Trong thông báo này, Thanh tra bộ GD&ĐT xác định, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa thực hiện đúng quy định về quy trình biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học đối với 2 giáo trình tiếng Trung Quốc Developing Chinese: Elementary Reading and Writing Course I và Elementary Listening Course I. Trước đó, tháng 11/2019, Tiền Phong có loạt bài phản ánh đại học này sử dụng giáo trình dạy tiếng Trung có bản đồ in “đường lưỡi bò” làm tài liệu giảng dạy trong một thời gian dài.
Mới đây đường dây đào tạo, cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh “chui” tại Trường ĐH Đông Đô bị phát giác. Theo đó, các khóa học đều không tổ chức thi đầu vào đầu ra, không phải đi học, hiệu trưởng nhà trường cùng thuộc cấp đã “phù phép” để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh nhằm thu lợi bất chính. Phía người học chỉ cần đóng tiền và chờ vài tuần đến 2-3 tháng là được cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Đã có khoảng 600-700 người đã được cấp văn bằng 2 theo kiểu “đi mua” tại Trường ĐH Đông Đô.