Bỗng dưng mất nhà
Phản ánh đến báo Tiền Phong, bà Đặng Thị Vân (ngụ ấp Tân An, xã Tân Vĩnh Hiệp, TX. Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, ngày 1/3 sau khi vợ chồng bà từ công ty trở về nhà thì bất ngờ phát hiện ngôi nhà biến mất, cửa khóa ngoài đã bị phá, một số tài sản, vật dụng trong nhà cũng như xà gỗ, mái tôn… đều không còn.
Bà Vân hỏi hàng xóm thì được biết, căn nhà do một số cán bộ xã đến phá cửa vào tháo dỡ. “Nghe hàng xóm nói cán bộ xã đến phá nhà, tôi rất bức xúc. Tại sao căn nhà hiện hữu mấy năm nay cùng hàng trăm căn nhà khác trong khu vực lại bị phá mà không có một giấy tờ gì. Tài sản trong nhà không còn, trong khi tôi không nhận được văn bản tịch thu hay cưỡng chế nhà”, bà Vân bức xúc.
Nói về nguồn gốc ngôi nhà, bà Vân cho biết, căn nhà hiện hữu nhiều năm về trước được bà Vân mua lại từ bà Nguyễn Thị Hiền với giá 385 triệu đồng vào đầu năm 2018. Trước khi chuyển nhượng đất và nhà cho bà Vân, bà Hiền mua lại từ ông Trần Bá Minh. Trong hợp đồng chuyển nhượng có ghi rõ tổng diện tích là 48m2 gồm có căn nhà mái tôn.
Vào cuối 2/2019, do ngôi nhà lâu năm xuống cấp nên bà Vân nhờ người đến xây lại bức tường bên hông. Lúc bấy giờ, cán bộ xã xuống đề nghị ngưng không cho xây nên bà Vân cho dừng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3 khi đi làm về thì bà Vân thấy cửa bị phá, căn nhà không còn. Quá bức xúc, bà Vân đến UBND xã Tân Vĩnh Hiệp hỏi thì lãnh đạo đơn vị này không tiếp.
Không có lệnh cưỡng chế, ra thông báo sai tháng
Bà Vân cho hay, cho đến thời điểm ngôi nhà bà bị tháo dỡ, gia đình chưa nhận bất ký một thông báo chính thức hay quyết định cưỡng chế nào. Do đó, việc cán bộ xã tự ý phá cửa xông vào phá nhà là trái quy định. Theo tìm hiểu của PV, chỉ 3 ngày trước khi thực hiện việc tháo dỡ nhà bà Vân, UBND xã Tân Vĩnh Hiệp chỉ ra một thông báo về việc gia đình phải tự tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, bản thông báo do ông Trần Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Vĩnh Hiệp ký lại đề vào ngày 20/12/2019 (trong khi việc tháo dỡ lại được thực hiện đầu tháng 3).
Nói về việc cán bộ phường tháo dỡ căn nhà bà Vân khi chủ nhà đi vắng và không có lệnh cưỡng chế, ông Trần Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Vĩnh Hiệp nói ông chưa nắm rõ vụ việc, sẽ tìm hiểu lại. Khi PV hỏi, người ký văn bản thông báo tháo dỡ nhà bà Vân là ông Quang vậy tại sao ông không nắm thì vị Phó Chủ tịch bối rối và nói tôi không thuộc thẩm quyền trả lời, cái đó phải để chủ tịch thông tin.
Trước câu hỏi, ông nghĩ sao khi ký vào thông báo sai nhiều tháng thì ông Quang nói do sơ suất. Ông Quang cũng cho biết, căn nhà bà Vân ở là đất trồng cây lâu năm thuộc sổ chung nên việc xây nhà là sai quy định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại khu vực nhà bà Vân có hàng trăm căn nhà hiện hữu từ rất lâu giống nhà bà nhưng không bị xử lý. Trong khi đó, căn nhà bà Vân nằm lọt giữa hàng trăm căn nhà khác thì bị tháo dỡ.
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, việc cán bộ xã tự ý phá cửa vào nhà khi không có chủ nhà là sai và “lạm quyền”. Tài sản trong ngôi nhà bị mất trong quá trình tháo dỡ thì cán bộ tham gia tháo dỡ phải chịu trách nhiệm đền bù. Mặt khác, việc tháo dỡ nhà không có lệnh cưỡng chế là sai trình tự, trái quy định và được xem là hành vi hủy hoại tài sản người khác.