Theo phản ánh của người dân địa phương, nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng dọc tuyến QL 28 qua địa bàn 2 xã Quảng Sơn, Đắk Ha (huyện Đắk G’Long) tái diễn và công khai. Qua khảo sát thực tế, PV Tiền Phong đã ghi nhận được, tình trạng phá và lấn chiếm đất rừng ở khu vực đang diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch UBND xã Đắk Ha cho biết, sau khi công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa giải thể, diện tích rừng hai bên QL 28 được giao về cho chính quyền địa phương quản lý. Trong đó, diện tích rừng còn thông chỉ 15 ha. Ông Chiến thừa nhận nạn đầu độc thông trên địa bàn vẫn còn diễn ra, với thủ đoạn tinh vi, khiến cho việc phát hiện để xử lý những đối tượng này rất khó khăn.
Ghi nhận của PV Tiền Phong, vị trí rừng thông bị đầu độc sau đó châm lửa đốt ngay bên hành lang giao thông QL 28 và chỉ cách trụ sở UBND xã Đắk Ha chỉ hơn 2km. Những cây thông đã chết héo khô từ lâu, ngọn lửa bùng cháy dữ dội khiến cho nhiều cây thông ngã xuống. Những vị trí khác, phóng viên phát hiện thông sau khi chết khô thì giữa thân bị đục một lỗ nhỏ.
“Người dân khoan lỗ nhỏ, sau đó bơm thuốc vào chỉ thời gian sau là thông chết. Việc làm này rất khó phát hiện. Động cơ của người dân triệt hạ thông không phải lấy gỗ, mà để lấy đất canh tác”, ông Chiến nói.
Có những vị trí người dân tự dựng hàng rào B40, thép gai để bảo vệ diện tích phát dọn. Bên trong hàng rào, có rất nhiều cây thông trơ gốc, nhiều cây đang héo lá… chết dần chết mòn. Cách chỗ rừng thông đã chết, nhiều diện tích trồng tiêu và hoa màu mọc lên tươi tốt…
Theo báo cáo của đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’tao (Cty Đắk N’tao) từ đầu tháng 2/2019 đến nay một số người dân tự ý đổ đất, san mặt bằng và dựng nhà trái phép, khoan giếng trên hành lang QL 28. Qua tìm hiểu, mục đích của người dân lấn chiếm trên hành lang QL 28 nhằm để chiếm mặt tiền tại tiểu khu 1674 thuộc lâm phần của công ty quản lý.
“Theo kiểm tra thực tế hiện trường của lực lượng quản lý bảo vệ rừng công ty tại thời điểm báo cáo, vị trí bị đổ đất lấn chiếm dọc hành lang QL 28 đoạn qua lâm phần công ty quản lý kéo dài từ khoảnh 10, đến khoảnh 11 (tiểu khu 1674) với chiều dài hành lang theo tuyến hành lang đường bộ khoảng 850m. Trên khu vực bị lấn chiếm đổ đất, người dân đã san mặt bằng dựng 2 căn nhà”, lược trích báo cáo của Cty Đắk N’tao.
Nhiều vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất đã và đang diễn ra công khai ngay bên QL 28, nhưng chính quyền địa phương không phát hiện kịp thời, để xử lý.
Báo Tiền Phong sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc về tình trạng lấn chiếm rừng và đất rừng ở QL 28.