Cuộc nội chiến ở Syria, bạo lực và nghèo đói ở Afghanistan, Eritrea, Kosovo… đã khiến hàng trăm ngàn người dân sống tại các quốc gia này liều mình vượt qua vùng biển Địa Trung Hải để vươn tới các quốc gia ổn định hơn ở châu Âu.
Đơn xin tị nạn vào châu Âu đã tăng cao trong năm nay. Tính đến cuối tháng 7, số lượng người xin tị nạn vào châu Âu là 438.000, chỉ kém một chút so với con số 571.000 người của toàn bộ năm ngoái.
Theo số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Đức là điểm đến thu hút nhiều người tị nạn nhất. Xếp sau là Hungary.
Theo số liệu được đăng tải ngày 9/9 trên BBC, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã ước tính có hơn 350.000 người di cư được phát hiện tại biên giới của EU trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 8/2015. Con số này của toàn bộ năm 2014 là 280.000 người. Số liệu này không bao gồm những người nhập cư bí mật, trái phép.
Trong số 350.000 người di cư đó, có 235.000 người đã đến Hy Lạp, gần 115.000 người cập bến tại Ý, khoảng 2.100 người đến Tây Ban Nha.
Những con đường tị nạn chính xuyên biển Địa Trung Hải: Từ Morocco, Algeria đến Tây Ban Nha; từ Tunisia, Libya đến Ý; từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Ảnh: Aljazeera
Hầu hết những người đến Hy Lạp đều di chuyển qua hành trình tương đối ngắn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các đảo Kos, Chios, Lesvos và Samos trên những chiếc thuyền gỗ, cao su mỏng manh.
Tuy nhiên, những người này hầu như không dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục di chuyển đến các quốc gia châu Âu có chính sách thân thiện.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Brussels vào cuối tháng này để thống nhất giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng di cư này.
Hungary đã xây dựng một hàng rào dài 175km dọc biên giới với Serbia để cố gắng hạn chế làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ về khu vực Bắc Âu.