Vụ chuyến bay giải cứu

Bản cung thể hiện cựu Cục phó Quản lý xuất nhập cảnh chỉ đạo nhận, chia tiền biếu xén

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bác quan điểm tự bào chữa "nhận hối lộ nhưng vô tình, không may" của cựu Phó cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh, Viện kiểm sát đã công bố biên bản lời khai thể hiện chính bị cáo này chỉ đạo cấp dưới nhận, chia tiền biếu xén của doanh nghiệp.

Lời khai thể hiện cựu Cục phó chỉ đạo chia tiền hối lộ

Sau hơn 10 ngày làm việc kể từ 11/7, phiên tòa vụ án “chuyến bay giải cứu” đã đi vào giai đoạn nghị án. Dự kiến HĐXX TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết với 54 bị cáo hôm 28/7 tới đây.

Xuyên suốt diễn biến phiên xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi, trình bày về hoàn cảnh dịch bệnh, việc cấp phép chuyến bay không có quy trình cụ thể, chưa từng có tiền lệ. Trong khi đó, nhiều luật sư bào chữa hoặc cả nhóm bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” nêu lý do biện minh hành vi đưa, nhận tiền không có sự hứa hẹn, là tự nguyện gửi quà “cảm ơn” hoặc “vô tình nhận tiền”…

Điển hình như bị cáo Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an) và luật sư của ông này khi nêu quan điểm bào chữa cho rằng: “Bị cáo Dự không biết, không gặp, không chỉ đạo cấp dưới nhận tiền của doanh nghiệp; Tuấn bảo cho đến đâu thì bị cáo Dự biết đến đó trong khi Tuấn nhận rất nhiều tiền; khi biết Tuấn nhận nhiều tiền của doanh nghiệp bị cáo rất bức xúc, yêu cầu Tuấn phải trả lại tiền cho doanh nghiệp; hành vi của bị cáo là “Nhận hối lộ nhưng vô tình, không may”. (Tuấn – tức bị cáo Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh).

Đối đáp lại quan điểm bào chữa nêu trên, đại diện Viện kiểm sát khẳng định đã nhận hối lộ thì không có khái niệm "nhận hối lộ vô tình cũng như không may" như lời tự bào chữa của bị cáo. Hành vi nhận hối lộ là được thực hiện bởi lỗi cố ý, một người có chức vụ và hiểu biết như bị cáo Dự phải rất rõ điều này. Vì vậy, đã làm sai thì phải nhận thức được đầy đủ, từ đó mới có thể sửa chữa được.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Dự là người chỉ huy, chỉ đạo cấp dưới nhận tiền. Tại phiên toà bị cáo cũng khai vai trò của mình trong đơn vị, trong việc ký các văn bản cho ý kiến phê duyệt cấp phép các chuyến bay.

Ở giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát đã trích bút lục thể hiện biên bản hỏi cung ngày 25/7/2022, bị cáo Trần Văn Dự trình bày: “Tuấn đưa tiền cho bị cáo và nói là ‘lộc’ của doanh nghiệp cảm ơn; lần đầu tiên vào tháng 8/2021, anh Tuấn báo cáo tôi doanh nghiệp cảm ơn tổng 600 triệu đồng, tôi bảo chia cho 3 người như nhau".

Còn tại Biên bản hỏi cung ngày 27/7/2022, bị cáo Dự trình bày: "Khi đó, có một số doanh nghiệp liên hệ lên gặp Vũ Anh Tuấn, tôi được Tuấn báo cáo lại; tôi có ý kiến là gặp thì cứ gặp nhưng khi doanh nghiệp đưa quà (tiền) cảm ơn thì để anh Vũ Sỹ Cường cán bộ xử lý (nhận), Tuấn không nên nhận trực tiếp….; tôi có ý kiến với Tuấn về việc khi doanh nghiệp cảm ơn thì cứ tập hợp lại rồi chia ra sau, không nên chia lắt nhắt, Tuấn đồng ý”.

Đối với quan điểm của luật sư bào chữa cho các bị cáo Trần Văn Dự cùng hai thuộc cấp của ông này là bị cáo Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường, đề nghị xem xét áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm”.

Đại diện Viện kiểm đối đáp, hành vi nhận hối lộ của các bị cáo đã hoàn thành. Việc các bị cáo chủ động liên hệ với những người đưa hối lộ để trả lại tiền chỉ là yếu tố để xem xét tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự là “người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả” và Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX cho các bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

Bản cung thể hiện cựu Cục phó Quản lý xuất nhập cảnh chỉ đạo nhận, chia tiền biếu xén ảnh 1

Bị cáo Trần Văn Dự.

‘Tạo lợi ích nhóm’

Theo cơ quan tố tụng, quá trình thực hiện chủ trương đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch COVID-19, từ tháng 6/2021, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phân công Trần Văn Dự, chịu trách nhiệm duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao cho ý kiến về kế hoạch tổ chức chuyến bay Combo; Phòng Tham mưu được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện việc đề xuất, soạn thảo văn bản để ông Dự duyệt, ký.

Tại Phòng Tham mưu, bị cáo Vũ Anh Tuấn với nhiệm vụ là Phó Trưởng phòng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, đã chỉ đạo Vũ Sỹ Cường (thành viên Tổ tham mưu) nghiên cứu, đề xuất và soạn thảo văn bản trình bị cáo Vũ Anh Tuấn duyệt, ký nháy trước khi trình Trần Văn Dự ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao.

Cơ quan điều tra cho rằng, quá trình thực hiện, 3 cá nhân trên tạo thành “lợi ích nhóm”. Trong đó, Vũ Anh Tuấn là người trực tiếp liên hệ yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay với chi từ 50 – 200 triệu đồng/1 chuyến hoặc phải chi 500 – 1,5 triệu đồng/1 khách tùy từng thời điểm để được Cục Quản lý xuất nhập cảnh chấp thuận đề nghị của Bộ Ngoại giao.

Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý theo yêu cầu, Vũ Anh Tuấn sẽ “gây khó dễ” qua việc Cục Quản lý xuất nhập cảnh không chấp thuận hoặc trả lời sát ngày doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Do đó, doanh nghiệp buộc phải đưa hối lộ.

Không những thế, Vũ Anh Tuấn còn phối hợp với Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu, gợi ý chỉ dẫn cho doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế trả lời nhanh.

Trong việc nhận hối lộ, theo cơ quan điều tra, có nhiều trường hợp Vũ Anh Tuấn trực tiếp nhận tiền của doanh nghiệp hoặc chỉ đạo Vũ Sỹ Cường nhận tiền hối lộ.

Theo cơ quan tố tụng, bị cáo Tuấn nhận tiền của doanh nghiệp nhiều nhất, 46 lần với tổng số 27,3 tỷ đồng, trong số này hưởng lợi 22,8 tỷ đồng; bị cáo Dự nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng; bị cáo Cường nhận 9,3 tỷ.

MỚI - NÓNG