Lúa, cá, tôm lộn ngược
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) Đặng Kiều Nhân kể, một doanh nhân Hàn Quốc muốn đầu tư vào nông nghiệp, nhờ đưa đi tham quan nhà máy chế biến gạo. Ông Nhân dẫn đến một nhà máy vừa xây dựng, được đánh giá hiện đại vào hàng bậc nhất ĐBSCL.
Vị doanh nhân nước ngoài nhận xét: “Làm ngược, theo lối lạc hậu của ba chục năm trước”, vì chế biến nhiều loại gạo chất lượng tốt, nhưng chưa biết bán cho ai. Trong khi đó, sản xuất hiện đại phải nghiên cứu nhu cầu của thị trường, nắm được nhu cầu rồi mới tổ chức sản xuất. “Nông nghiệp hiện đại không chỉ chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà còn phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, ông Nhân nói.
Làm ngược nên sản phẩm lúa gạo ở ĐBSCL đang là một chuỗi quanh co, đứt gãy. TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Nông nghiệp&Công nghệ sau thu hoạch tại TPHCM, cho biết, chuỗi sản phẩm lúa gạo ở ĐBSCL, chỉ tính công đoạn sấy khô và tồn trữ, mỗi năm thất thoát hơn 652 triệu USD, do lúa ở ĐBSCL còn khoảng 62% chưa được sấy khô đạt yêu cầu và 85% chưa được tồn trữ đúng kỹ thuật.
Từ người nông dân đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu là một chuỗi rời rạc, làm khi chưa xác định được thị trường, nên tìm cách bán sang Trung Quốc theo cửa khẩu phụ, do ở Trung Quốc mấy năm nay, chi phí làm lúa đắt đỏ (theo thông tin của Bộ Công Thương).
Cá tra nước ta chiếm khoảng 95% thị trường thế giới, nhưng cũng vì làm ngược mà “phá sản từ năm 2012 đến nay”, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Hồ Văn Vàng. Ông Vàng kể, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá bán, sau đó mạ băng tỷ lệ cao và quay tăng trọng bơm nước vào thịt cá tra, làm thịt bở, không còn ngon như vốn có.
Những doanh nghiệp này “bán buông đuôi”, sản phẩm cá tra đến tay người tiêu dùng nước ngoài dưới nhiều nhãn hiệu của nước ngoài nên cá tra mất uy tín, bị người tiêu dùng quay lưng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2008 đến nay, kim ngạch cá tra xuất sang Liên minh châu Âu (EU) liên tục giảm, trung bình một năm 6%, năm 2012 giảm tới 18,8%. Vài năm nay mở thị trường Trung Quốc, bán cá tra cắt khoanh và nguyên con.
Tôm càng xanh nước ta (đã vào hàng 6 nước nuôi dẫn đầu thế giới) góp thêm ví dụ làm ngược. Tại hội thảo nuôi tôm càng xanh bền vững ở tỉnh Đồng Tháp hôm 13/6, nhiều đại biểu mong muốn xuất khẩu được như tôm sú và tôm chân trắng.
Ông Dương Đức Thành, đại diện tại Việt Nam của Chi hội Doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài, cho biết, muốn xuất khẩu cần trả lời 3 câu hỏi: Sản phẩm đã được cấp chứng chỉ gì, sản lượng và thời gian giao hàng, bao bì như thế nào? Đây là những thông tin khách hàng nước ngoài đặt ra, trước khi đi vào thương thảo hợp đồng. Nhưng tôm càng xanh nước ta lại chưa có, do tự phát, trước nay chỉ thỉnh thoảng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, hoặc chờ thương lái Trung Quốc sang tận nơi mua.
Khai thác biển yếu, thiếu đồng bộ
Nhiều nguồn lực đang được tập trung cho ngư dân ra khơi bám biển, trong đó nổi lên vấn đề đóng tàu sắt. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh nói: “Nếu làm không hiệu quả thì tàu sắt sẽ thành một đống sắt vụn. Tàu sắt có công suất lớn chuyên khai thác xa bờ, nhưng đâu phải ai cũng có khả năng đánh bắt xa bờ, đâu phải ai cũng có thể quản lý tàu lớn”.
Trình độ học vấn của ngư dân ta chủ yếu ở mức tiểu học. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Kháng ở Viện Nghiên cứu Hải sản (năm 2011), trình độ ngư dân: khoảng 8,4% mù chữ, 55,2% tốt nghiệp tiểu học, chỉ có 34,5% tốt nghiệp THCS, 1,9% THPT và 0,1% được đào tạo qua các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Nước ta hiện có 117.998 tàu khai thác biển, trong đó, 76% là tàu nhỏ, khai thác gần bờ.
Hệ thống hậu cần nghề cá cũng rất yếu. Theo báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (năm 2013), cả nước đã đầu tư xây dựng trên bờ 65/178 cảng, bến cá; tuyến đảo 18/33 cảng cá.
Khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá xây dựng được 75/131, trong đó có 13 khu neo đậu cấp vùng và 62 khu neo đậu cấp tỉnh. Tại các đảo đã đầu tư xây dựng 12/16 khu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 5 khu neo đậu cấp vùng. Số lượng các công trình so với nhu cầu còn thấp, chưa kể nhiều công trình đầu tư xây dựng có chất lượng kém, thiếu đồng bộ.
Thực trạng trên dẫn đến hiệu quả khai thác biển rất thấp. Riêng tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đến 25-30%. Khai thác chạy theo sản lượng, không đáp ứng nhu cầu thị trường, điển hình ở nghề câu cá ngừ đại dương.
Nghề này mới ra đời năm 1994 ở miền Trung, nay có khoảng 3.500 tàu tham gia, chiếm 14% tàu đánh bắt xa bờ của cả nước. Tuy nhiên, chạy theo sản lượng nên chất lượng ngày càng thấp, giá hạ, thị trường bị thu hẹp. Năm 2013 còn xuất khẩu hơn 526 triệu USD, mấy tháng đầu năm nay đã giảm 25% so với cùng kỳ, trong đó thị trường chính là Nhật Bản giảm gần 40%.
Hải sản cũng như các nông sản và thủy sản nuôi trồng trên bờ, phập phù lên xuống theo thị trường Trung Quốc. Cá cơm ở đảo Phú Quốc lúc thừa lúc lại không đủ cho nhà thùng làm nước mắm truyền thống, vì thương lái Trung Quốc mua.
Kinh nghiệm làm xuôi
Mới đây, Nhật Bản chuyển giao cho ngư dân miền Trung một số thiết bị và kinh nghiệm câu cá ngừ đại dương để hy vọng có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Còn ở tỉnh Kiên Giang, mấy năm qua thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm giúp ngư dân. Báo cáo gần đây của Tổ này cho biết, ở Indonesia, muốn khai thác biển phải có giấy phép, và “phải có cơ sở chế biến trước khi tiến hành khai thác”.
Bên Malaysia, không những chỉ được đánh bắt theo mùa vụ ở từng vùng biển theo giấy phép, mà còn phải cách đất liền 30 hải lý, cách đảo 15 hải lý. Mọi con tàu được gắn thiết bị kết nối vệ tinh để cơ quan quản lý theo dõi, nếu vi phạm bị phạt rất nặng và tịch thu sản phẩm.
Theo cung cách làm xuôi ấy, với tôm càng xanh, ông Dương Đức Thành cho biết, đang thành lập hai trung tâm thông tin tư vấn ở Việt Nam và EU để người nuôi và doanh nghiệp gặp nhau. Ông hy vọng, đến tháng 8, ông đi EU thì đã có thông tin đáp ứng nhu cầu của bạn hàng nước ngoài để thương thảo xuất khẩu.
Với cá tra, năm ngoái, đại diện VASEP ký bản ghi nhớ với đại diện cảng Zeebrugge ở miền bắc nước Bỉ xúc tiến thành lập ở cảng này một trung tâm phân phối cá tra cho cả EU. Lúa gạo cũng hy vọng có chuyển biến khi Bộ NN&PTNT chủ trương giảm diện tích để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu...
Vấn đề đặt ra hiện nay là nhà nước tham gia vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp như thế nào để thúc đẩy phát triển? Viện phó Đặng Kiều Nhân cho biết, theo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến, nhà nước đi trước bằng quy hoạch, đầu tư hạ tầng và có chính sách khuyến khích đầu tư. Khi đã thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư, nhà nước lùi ra lo chính sách thúc đẩy phát triển.