Chỉ thị của Ban Bí thư nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, MTTQ và đoàn thể nhân dân quan tâm hơn, đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém. Trong đó, quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng.
“Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, chỉ thị nêu rõ.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Chỉ thị cũng yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ thị của Ban Bí thư cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng thống nhất, đồng bộ và phù hợp. Đồng thời công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn và nguồn gốc xuất xử, sản phẩm, hàng hóa. Khắc phục ngay khoảng trống trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương…
Đáng lưu ý, chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng. Trong đó cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khỏe, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, an toàn của người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện để người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ. Hoàn thiện các chế tài đủ răn đe đối với những hành vi sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, tính mạng, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiếu yếu và các đối tượng người tiêu dùng yếu thế.
“Không để lưu thông trên thị trường những hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Quy định việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo hướng thủ tục đơn giản, thuận tiện để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể giải quyết tranh chấp qua phương thức trọng tài và tòa án”, Chỉ thị nêu rõ.