Bám trụ ở làng chài tan hoang

Nơi từng là nhà của một hộ dân đã nằm dưới nước biển.
Nơi từng là nhà của một hộ dân đã nằm dưới nước biển.
TP - Biển xâm thực đã cuốn trôi và sạt lở gần 200 căn nhà của ngư dân làng chài thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận). Những gì còn sót lại nơi đây như dấu tích của trận đại hồng thủy vừa quét qua. Những ngư dân cả đời bám biển chắt bóp được chút tài sản đã trắng tay khi trả tất cả về với biển. 

Căn nhà xây cấp 4 đã sập hơn phân nửa, phần còn lại cũng nứt toác không biết sóng biển sẽ cuốn trôi lúc nào. Đó là nhà của ông Lê Văn Ba ở thôn Tiến Đức. Hơn tuần qua, cả gia đình ông đành qua nhà con gái trú tạm dù căn nhà của con gái ông cũng đã sập hết một phần. Hơn 60 tuổi, quá 2 phần đời ông Ba sống nhờ biển. Thời trai tráng, ông Ba đi bạn ra khơi xa đánh bắt cá, về già ông vẫn bám biển với cái thúng chai.

Tối, ông ra biển câu cá, câu mực, sáng trở về kiếm được vài trăm ngàn đồng cũng đủ nuôi sống hai vợ chồng già. Tích góp cả đời đi biển, ông Ba xây được cho mình căn nhà cấp 4 khá chắc chắn để ở, đủ để chịu được cái nắng, gió, mưa bão vùng biển. Ấy vậy, chỉ trong vòng vài năm nay, cũng như nhiều căn nhà khác của người dân trong xóm, căn nhà của ông Ba đã bị sập do biển xâm thực. Sóng  đánh khoét dần vào đất liền cuốn trôi nhiều căn nhà trong cái xóm chài này.

Chỉ tay ra xa nơi còn nhô lên 1 phần cột nhà sập chìm trong nước biển cách bờ 30m, ông Ba cho hay: “Ngày trước, có đến ba lớp nhà, nhà nào sát bờ biển là nằm ngoài đó. Cả xóm đông đúc như phố. Giờ nhà sập hết, chỉ còn một lớp nhà ờ sát đường nhưng cũng đang sập dần”. Đứng trên phần đất gần mép nước, với tay lên cao vẫn chưa đến cái nền  của căn nhà đã sập hết một phần, ông Ba cho hay, trước đây mặt đất là trên đó, đi vài chục mét mới ra tới bờ biển, bây giờ biển đã khoét vào chân đất sâu gần 3m. “Biển nuôi sống người dân chúng tôi, nhưng biển cũng lấy hết những gì chúng tôi có”, ông Ba nói. Hàng chục năm bám biển, cuối đời tài sản đáng giá nhất của ông Ba cũng chỉ còn chiếc thúng chai và tay lưới cũ.

Chiều muộn, nắng tắt dần, bãi biển làng chài Tiến Đức với dãy nhà sập, nứt toác nham nhở kéo dài hàng trăm mét không một bóng người lui tới, trông càng trở nên lạnh lẽo hoang tàn. Trên cái nền gạch trơ ra bên bãi biển, anh Đặng Hùng bày mâm cơm chiều ăn nhanh để chuẩn bị cho buổi tối ra biển đánh cá. Dừng ăn để tiếp khách, anh Hùng nói: “Năm trước khi có nhà báo đến hỏi, thì tôi còn căn nhà, nay gặp anh thì nhà tôi đã sập hết rồi. Chỉ còn một phần cái nền nhà đây”.

Nhà khó khăn, chỉ có hai mẹ con, tích góp làm được căn nhà, dự định cưới vợ, nhưng nhà sập nhà. Chuyện cưới vợ anh Hùng cũng phải gác lại khi chỗ ở còn không có. Mượn tạm đất của hàng xóm, nhặt nhạnh phần tôn, cây còn sót lại, anh Hùng dựng lên túp lều nhỏ cho hai mẹ con có chỗ trú thân. Theo anh Hùng người dân bị mất nhà ở đây đã được chính quyền cấp đất. Tuy nhiên nơi ở mới xa biển, không thuận tiện để làm nghề, và cũng chẳng có tiền để cất nhà mới.

Bám trụ ở làng chài tan hoang ảnh 1 Một phần nhà của anh Kết đã bị sóng biển đánh sập.

Anh Đoàn Văn Kết, hàng xóm của anh Hùng thì khá hơn khi biển mới “lấy” hết của gia đình anh nửa căn nhà. Phần nhà còn giữ được là nhờ anh chèn xuống cả trăm bao cát chắn sóng. Tạm giữ được phần nhà còn lại nhưng anh Kết không đoán chắc sẽ trụ được bao lâu. Đứng trên phần bê tông trước đây là nhà, anh Kết nói: “Lập gia đình được 20 năm mới  xây được căn nhà, nhưng nợ chưa trả xong thì nhà bị biển cuốn sập”. Hướng về phần bờ kè biển được xây dựng ở phía phường Đức Long, anh Kết cho hay: “Chỉ từ khi chính quyền xây kè biển đến đó, thì thôn Tiến Đức, mới bị biển xâm thực đến mức này”.

Nguyên nhân biển xâm thực mạnh gây thiệt hại tài sản của người dân cũng đã được ngành chức năng tỉnh Bình Thuận xác nhận là: dòng chảy có nhiều thay đổi khiến tình trạng biển xâm thực sâu vào đất liền ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa của người dân địa phương; Chưa có kè chắn sóng kiên cố nên người dân vùng biển xâm thực đang tiếp tục đối diện với nguy cơ mất nhà, mất tài sản khi có triều cường.

Thống kê tại thành phố Phan Thiết, những năm gần đây triều cường cũng đã xâm thực sâu vào đất liền thuộc khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết với chiều dài gần 2.000m, sâu vào đất liền hơn 50m. Theo thống kê, ngoài 66 căn nhà đã sập, hiện còn có 150 căn nhà khác ở khu vực này bị sạt lở và cả tuyến đường Trần Lê đang đối diện với nguy cơ xâm thực cao.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã có chủ trương  xây kè chắn sóng, nhưng kinh phí hạn hẹp nên cũng xảy ra tình trạng xây xong phần kè bảo vệ xong đoạn này thì  phần còn lại bị ảnh hưởng xâm thực mạnh. Những khu vực nguy cơ bị sạt lở, tỉnh có chủ trương di dời cấp đất cho người dân ổn định cuộc sống.

Theo UBND xã Tiến Thành thì trong số hơn 100 hộ được giao đất về khu tái định cư thì gần cả trăm hộ chưa xây dựng nhà và cũng chưa di dời khỏi nơi sạt lở.

MỚI - NÓNG