Trên diễn đàn Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học vừa chia sẻ bài văn tả mẹ hài hước của thành viên tên Tạ Văn Khôi. Bài văn này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Bài văn có nội dung như sau:
"Mẹ em tên Hiền. Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn.
Mẹ rất chăm chỉ. Ngày nào mẹ cũng làm việc từ tinh mơ đến khi chiều tối. Nếu mẹ của bạn Trần Nhật Minh là ngọn gió thì mẹ em là cơn lốc.
Mẹ về đến nhà là cuốn sạch cái sân đầy lá mít cùng sỏi đá lẫn trái sấu non mà chúng em bày ra ban chiều. Mẹ cuốn đàn lợn vào giấc ngủ sâu êm đềm, quần áo lấm lem bùn đất vào chậu giặt. Tóm lại mẹ có thể cuốn tất cả trừ một người lúc nào cũng say mèm là bố em.
Mẹ rất khéo tay. Luống rau mẹ cuốc chẳng cần gieo hạt gì sau dăm hôm đã mọc đầy những ngọn rau giền cơm. Rau giền cơm mẹ nấu có kèm vài ngọn rau sam ngon lắm! Ngoài canh rau, mẹ còn biết luộc trứng, luộc cả thịt. Món luộc của mẹ chẳng bao giờ bị mặn cả. Ngon lắm!
Mẹ chẳng bao giờ giúp chúng em học bài. Mẹ bảo: "Dạy học là việc của bố mày!". Nhưng bố hôm nào cũng "sáng đi tối mịt mới về, nhiều hôm say lả miệng thì kêu la". Những lần như vậy, mẹ không xem Tấm lòng cha mẹ nữa. Bất đắc dĩ mẹ phải dạy các con ôn bài. Chữ mẹ ngửa trái như lúa non gặp bão. Môn toán mẹ dạy là tìm nửa chu vi tuổi mẹ, tìm nửa chu vi vận tốc. Tóm lại dạng toán gì cũng nửa chu vi. Mẹ tuyệt thật nhưng cô giáo không cho là đúng.
Người mẹ hiền từ, chịu thương chịu khó trong bài văn. Ảnh minh hoạ.
Mẹ là người rất tiết kiệm. Mẹ nhặt lại các túi bóng kể cả túi bóng đựng thuốc trừ cỏ giặt sạch đi để đựng đậu bán cho các bác trong xóm. Ai cũng khen đậu của mẹ ngon. Chắc người ta chưa thấy mẹ ngâm đậu trong cái thùng ngâm cám lợn. Nếu biết thì....
Những ngón tay mẹ xù xì dấu ấn của những năm tháng vật lộn kiếm ăn. Mẹ đưa tay lên lên bới mái đầu đã bạc lốm đốm. Mẹ than thở với các dì:
- Tại ông ngoại không cho tao đi học. Nếu cho đi học chắc giờ thì tao đâu khổ thế này! Mẹ khóc".
Giọng văn và hình ảnh người mẹ trong bài viết Tạ Văn Khôi giới thiệu đến người đọc có nhiều điểm tương đồng với bài văn tả bố của Đỗ Hồng Anh trước đây. Đó là cách nhìn đời sống gia đình chân thật đến trần trụi qua lăng kính ngây ngô của con trẻ.
Liên hệ với chủ nhân đoạn chia sẻ, anh Khôi cho biết, mình đang là giáo viên tiểu học. Bài viết này được anh tổng hợp lại từ nhiều đoạn văn tả mẹ khác nhau của học sinh trong quá trình giảng dạy. Nét đặc biệt ở đây chính là cách ghép nối các mẫu chuyện về nhiều người mẹ riêng biệt thành một bài viết hoàn chỉnh, mạch lạc mà không đánh mất cái dí dỏm vốn có của con trẻ.
Bài văn tả bố của Đỗ Hồng Anh khơi gợi cho Tạ Văn Khôi ý tưởng viết về mẹ.
Sau khi đọc bài văn, Thanh Thuý nhận xét: "Mình cảm nhận được dù người mẹ trong bài viết có những thứ chưa hoàn hảo nhưng đứa trẻ yêu cả những điểm khiếm khuyết ấy của người mẹ. Và trong thâm tâm chúng ta - những người đã trưởng thành, hoặc có thể đã có gia đình, đều hiểu được nguyên nhân dẫn đến sự không hoàn hảo ấy và thấy thương mẹ hơn!".