Bài học chua xót về tiêu cực của cán bộ quản lý thị trường

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chuỗi siêu thị Con Cưng
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chuỗi siêu thị Con Cưng
TPO - Theo Bộ trưởng Công Thương, một số cá nhân trong lực lượng quản lý thị trường thời gian qua đã có những hành vi tiêu cực; đó là những bài học rất "đau đớn và chua xót”

Sau khi tách khỏi tỉnh, quản lý thị trường có nguy cơ bị “đối xử” khác, kiểu như “con đẻ - con nuôi”, nhiều lãnh đạo trưởng phó đơn vị, các đội cấp huyện phải mất ghế với danh nghĩa “tái cơ cấu” trong khi ở cấp địa phương … là băn khoăn của không ít đại diện quản lý thị trường tại hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 34 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) trực thuộc Bộ Công Thương, diễn ra ngày 22/8 tại Hà Nội.

Ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh thừa nhận không ít cán bộ công chức quản lý thị trường ở Quảng Ninh cũng như trên toàn quốc đang có “tâm tư” khi sáp nhập, sắp xếp lại nhân sự, cơ cấu bộ máy theo mô hình mới. Điều ai cũng lo hiện nay là “Mai mốt sáp nhập đội nọ vào đội kia em không được làm đội trưởng nữa thì sẽ như thế nào?”. Vì vậy cần phải làm tốt công tác tư tưởng cho anh em.

Theo ông Luật, bên cạnh vấn đề tâm tư về phân chia ghế, Quảng Ninh sẽ là cục liên tỉnh hay cục độc lập cũng là câu hỏi mà bản thân ông cũng không biết trả lời thế nào khi được Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh hỏi về mô hình mới của đơn vị sau khi tách khỏi tỉnh.  Việc chia tách không chỉ liên quan tới công tác tổ chức cán bộ, mà còn liên quan đến “quyền lợi” phân chia cơ sở vật chất cũng như nguồn lực mà tỉnh đang đầu tư, dành cho quản lý thị trường.

Dẫn vài ví dụ về việc tỉnh Quảng Ninh đang hỗ trợ tốt cho quản lý thị trường thế nào, ông Luật cho biết, trong kế hoạch 2016 – 2021 có 5 dự án đầu tư xây dựng cho quản lý thị trường đã được phê duyệt và được cấp đất, làm đề án để cấp vốn triển khai trong 2019. “Quản lý thị trường được UBND tỉnh cấp 5.200 m2 đất xây trụ sở chi cục quản lý thị trường với kinh phí 85 tỷ đồng và dự kiến sẽ được bố trí vốn triển khai trong năm 2019 nhưng không biết khi về tổng cục thì sẽ thế nào”, ông Luật cho hay.

Cũng theo đại diện quản lý thị trường Quảng Ninh, hàng năm, toàn bộ số thu về chống gian lận thương mại, hàng giả của lực lượng quản lý thị trường, sau khi trừ đi chi phí, toàn bộ được tỉnh điều tiết lại cho quản lý thị trường 100%.  

“Mỗi năm các khoản này chúng tôi có thêm từ 14 -15 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, vật tư, sửa chữa. Tới đây về tổng cục ko biết tỉnh có bố trí cho nữa không. Công tác của quản lý thị trường không thể tách rời với cấp ủy địa phương. Mai mốt, chưa kể quan hệ với tỉnh tốt thì tốt còn không thì sẽ rất khó. Đây cũng là khó khăn”, ông Luận chia sẻ.

Phó giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ băn khoăn về hướng dẫn bàn giao tài sản hiện chưa rõ. Theo ông Hùng, mỗi năm tỉnh Thanh Hoá để lại toàn bộ kinh phí chống gian lận thương mại cho quản lý thị trường khoảng 20 tỷ đồng. Bây giờ nguồn đó về tổng cục thì sẽ xử lý thế nào?

Về cơ cấu của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chất lượng cán bộ, nhân sự sẽ là ưu tiên hàng đầu của cơ quan này trong cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường tới đây. Cùng đó, mỗi cán bộ QLTT không chỉ là những công chức, viên chức giỏi nghiệp vụ, chuyên môn mà còn phải thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Trần Tuấn Anh, những hành vi cản trở hoạt động phát triển xã hội, trái với pháp luật là những hành vi nghiêm cấm đối với những cán bộ QLTT. Những hành vi cán bộ QLTT có dấu hiệu trục lợi, cấu kết đối với những những hành vi vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn cũng là những hành vi sẽ bị pháp luật nghiêm trị.

“Những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng QLTT cũng như trong một bộ máy mới của tổ chức bộ máy Bộ Công Thương”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành công thương, thực trạng vừa qua cũng cho thấy, ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực; đó là những bài học rất "đau đớn và chua xót”, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới.

Dành 50% ngân sách ngành công thương cho quản lý thị trường

Vụ trưởng Tổ chức cán bộ  Bộ Công Thương, ông Lý Quốc Hùng cho biết, theo Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, quản lý thị trường sẽ được cơ cấu lại theo ngành dọc và giảm hơn 45% bộ máy nhân sự. Cụ thể, tại T.Ư tinh giảm từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị (giảm 45,5%). Việc tinh giảm này được thực hiện ngay khi Quyết định 34 có hiệu lực ngày 12/10 tới.

Ông Vũ Quốc Anh - Vụ trưởng Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, các cơ quan quản lý thị trường địa phương tiếp tục sử dụng kinh phí đã được cấp đến hết năm ngân sách 2018 và quyết toán với ngân sách địa phương. Năm 2019, dự kiến kinh phí ngân sách dành cho lực lượng quản lý thị trường chiếm khoảng 50% ngân sách cấp cho Bộ Công Thương.

MỚI - NÓNG