Gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa

Bài 2: Khơi thông nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định một trong những mục tiêu của Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là hoàn thiện những khung chính sách để phát triển văn hóa. Ban tổ chức nhận được nhiều tham luận của các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý đề xuất những giải pháp để khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa.

Đảm bảo hành lang pháp lý

Bên cạnh vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 huy động sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện các bộ có vai trò quan trọng liên quan tới thể chế, chính sách và nguồn lực. Để thể chế hóa đường lối của Đảng, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa, từ Hiến pháp tới các luật chuyên ngành khác đều hướng tới mục tiêu bảo đảm cho sự phát triển văn hóa bền vững.

Hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng dần được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu, đòi hỏi của người dân. Tham luận của Bộ Tư pháp gửi Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 tổng kết một số chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực cụ thể của văn hóa.

Trong chính sách về di sản văn hóa, Quốc hội đã ban hành Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cùng với hệ thống luật còn có các văn bản dưới luật do Chính phủ ban hành, bên cạnh đó là hệ thống các chính sách về đầu tư, hỗ trợ nguồn lực trong việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản và trùng tu hệ thống di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bài 2: Khơi thông nguồn lực ảnh 1

Di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm. Ảnh: DUY CHIẾN.

Nhằm tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật phát triển, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong sáng tác, trình diễn nghệ thuật, Việt Nam sớm tham gia các công ước quốc tế liên quan đến sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời, ban hành những đạo luật về bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan đến tác giả như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh, Luật Thư viện.

Báo chí, xuất bản, quảng cáo, thư viện, thể dục thể thao là những lĩnh vực có sự giao thoa với nhiều ngành, đặc biệt là ngành thông tin, truyền thông. Thời gian qua, nhiều đạo luật, chính sách về những lĩnh vực này đã được ban hành, tiêu biểu như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật Thư viện và các nghị định, Thông tư, Đề án, Chiến lược liên quan đến lĩnh vực này.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc ban hành chính sách, pháp luật về văn hóa. Nhiệm vụ trước tiên là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Việc tổng kết, đánh giá và nghiên cứu các cơ chế quản lý về hoạt động văn hóa diễn ra trên không gian mạng được nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn ra phức tạp.

Bài 2: Khơi thông nguồn lực ảnh 2

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI là một trong những sự kiện văn hóa lớn, hội nhập quốc tế trong năm 2022. Ảnh: NHƯ Ý.

Để đảm bảo tính răn đe, Bộ Tư pháp tập trung rà soát các quy định, chế tài xử lý. “Việc xây dựng các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa cần được quy định theo hướng tăng mức phạt tiền, bổ sung hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả; tăng nặng khung hình phạt trong hình sự để giáo dục, răn đe, tránh sự nể nang, né tránh trong xử lý các tình huống, vấn đề văn hóa phức tạp”, tham luận của Bộ Tư pháp nêu.

Hội thảo Văn hóa năm 2022 là cơ hội để những người làm công tác hoạch định chính sách, xây dựng và thực thi pháp luật đóng vai trò mạnh mẽ trong kiến tạo phát triển đất nước, để yếu tố sáng tạo của văn hóa trở thành chất liệu quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.

Bên cạnh những thành tựu, công tác xây dựng và ban hành chính sách pháp luật về văn hóa cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: xây dựng thể chế văn hóa còn chậm, các văn bản pháp luật về văn hóa đôi lúc còn chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện nhiều quy phạm pháp luật về văn hóa chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn như xuất bản điện tử, văn học mạng, thẩm định và hậu kiểm thể loại phim sản xuất và phát hành trên internet... còn chưa cụ thể hóa tại các luật, các nghị định và thông tư, gây khó khăn cho công tác quản lý văn hóa trong điều kiện mới.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập tồn tại trong phát triển văn hóa, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần đầu tư mạnh mẽ để phát huy tiềm năng của đội ngũ các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ.

Ông Kiều Trung Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ) nhận định để phát triển đội ngũ nhân lực sáng tạo và thực hành nghệ thuật biểu diễn cần có nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Ông Sơn đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn nhằm hỗ trợ các tác giả thực hiện những tác phẩm nghệ thuật của mình.

“Quỹ hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn tài trợ cho tác giả, cho việc thực hiện các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn, tài trợ cho các nghệ sĩ biểu diễn thực hiện chương trình biểu diễn cá nhân trước công chúng, tài trợ cho các cuộc thi sáng tác và thi biểu diễn các loại hình nghệ thuật biểu diễn”, ông Kiều Trung Sơn nêu trong tham luận.

Trước thực trạng một số ngành nghệ thuật biểu diễn truyền thống có nguy cơ mai một, khó phát triển trong bối cảnh hiện đại, ông Kiều Trung Sơn cho rằng Nhà nước cần có cơ chế quản lý, bảo vệ, khuyến khích sáng tạo, đồng thời tìm hướng phát triển phù hợp, vừa bảo tồn được bản sắc cốt lõi vừa có sáng tạo mới thích ứng được với bối cảnh đương đại.

Bài 2: Khơi thông nguồn lực ảnh 3

Văn hóa truyền thống chính là nguồn lực để phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước. Ảnh: NHMRTL.

Đồng quan điểm nêu trên, PGS.TS. Phạm Duy Đức (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định cần thành lập các quỹ văn hóa, quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học, nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.

Giáo dục văn hóa nghệ thuật cho trẻ em cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đề xuất. Chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục văn hóa nghệ thuật cho trẻ em ở Anh, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) - nêu nước Anh tin rằng văn hóa nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em cả trong và ngoài nhà trường. Bên cạnh việc học và trải nghiệm các tác phẩm, tác giả vĩ đại, học sinh cũng được học để biết chơi nhạc cụ, vẽ tranh, múa, diễn xuất…

"Tất cả kỹ năng đó sẽ góp phần nuôi dưỡng đam mê, mở những cánh cửa sự nghiệp cho các tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đồng thời cũng tạo dựng tầng lớp khán giả, công chúng tiêu thụ văn hóa nghệ thuật”, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế nêu.

Bà Nguyễn Phương Hòa nêu một số chương trình giáo dục văn hóa nghệ thuật tại Anh được Chính phủ hỗ trợ như Artsmark (ghi nhận các chương trình giáo dục nghệ thuật xuất sắc tại trường học), mạng lưới quốc gia 123 Music Education Hub (nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc tại các địa phương)…

Học hỏi kinh nghiệm nước ngoài

Ông Bành Thế Đoàn (Tùy viên văn hóa Đại Sứ quán Trung Quốc) chia sẻ kinh nghiệm về nguồn lực đầu tư xây dựng văn hóa Trung Quốc. Theo ông Bành Thế Đoàn, Trung Quốc tập trung xây dựng các loại quỹ dành cho văn hóa, nghệ thuật như Quỹ nghệ thuật quốc gia, Quỹ đầu tư công nghiệp văn hóa, Quỹ đầu tư công nghiệp văn hóa Phục hưng Thượng ảnh... Ông khẳng định các tập đoàn văn hóa, các công ty văn hóa mạng cũng là nguồn đầu tư văn hóa quan trọng.

MỚI - NÓNG