CÚ HÍCH ĐỂ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA HÀ NỘI TIẾN NHANH, TIẾN XA

Bài 2: Hái ra tiền từ công nghiệp biểu diễn

TP - Hà Nội lâu nay gắn với danh hiệu “thành phố vì hòa bình”, “thành phố di sản”. Tuy nhiên với vai trò là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế trở thành trung tâm nghệ thuật, giải trí hàng đầu. Sự thành công của đêm lưu diễn BlackPink là bước tiến, tiếp sức cho công nghiệp giải trí “đẻ trứng vàng” trong tương lai gần.

Điểm đến âm nhạc quốc tế

Nhóm BlackPink không phải nghệ sĩ quốc tế đầu tiên thực hiện đêm nhạc tại Hà Nội. Hà Nội từng là điểm đến biểu diễn của những ban nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới - Boney M và Modern Talking. Năm 2011, nhóm nhạc Backstreet Boys tổ chức thành công đêm diễn tại sân vận động Mỹ Đình. Cùng năm, nhóm nhạc đình đám Westlife chọn Hà Nội là điểm đến. Đó là đêm lưu diễn thứ 11 của ban nhạc Westlife nằm trong Gravity tour tại châu Á.

Bài 2: Hái ra tiền từ công nghiệp biểu diễn ảnh 1

Nhiều sự kiện âm nhạc quốc tế thành công tổ chức tại Hà Nội

Hà Nội thành điểm đến của nhiều chương trình âm nhạc, lễ hội âm nhạc quốc tế. Năm 2012, chương trình âm nhạc Music Bank lựa chọn Hà Nội là một trong những điểm đến tại khu vực Đông Nam Á. Music Bank in Hanoi 2012 quy tụ nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc như Super Junior, SNSD, Davichi, B2ST, IU, Sistar, MBLAQ…thành công rực rỡ. Sau sự thành công vào năm 2012, Music Bank in Hanoi tiếp tục trở lại sau 3 năm vắng bóng. Music Bank in Hanoi 2015 thu hút hàng trăm nghìn khán giả tham dự với sự tham dự của dàn sao hàng đầu xứ sở kim chi như EXO, SHINee, GOT7, Sistar, Apink...

Thành phố Hà Nội gặt hái nhiều thành công từ các chương trình nghệ thuật mang thương hiệu quốc tế như: Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, Lễ hội hoa anh đào, Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022 quy tụ nhóm nhạc nam thần tượng Winner… Nhiều chương trình trở thành điểm hẹn thường kỳ của du khách quốc tế tại Hà Nội.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon music festival) trở lại vào tháng 10/2023, khẳng định sức hút đối với người hâm mộ trong nước và quốc tế. Sau 5 mùa tổ chức từ năm 2014, lễ hội hút hơn 225 nghìn lượt khán giả. Thành công của Monsoon music festival còn ở chỗ nâng tầm tổ chức, tạo thói quen thưởng thức âm nhạc của khán giả tại Thủ đô.

Trở lại sau ba năm gián đoạn do COVID-19, quy mô của Gió mùa được mở rộng và tính chất lễ hội thành phố đậm đặc với 10 ngày đắm chìm trong âm nhạc, hơn 70 buổi diễn khác nhau tại 10 sân khấu ở trung tâm thành phố. Nhạc sĩ Quốc Trung - cha để của lễ hội âm nhạc này - khẳng định, Monsoon music festival tạo cơ hội cho các ban nhạc trẻ trong nước và quốc tế đăng ký biểu diễn, tiếp cận với công chúng bằng dự án chất lượng. Đặc biệt, các nhà tổ chức kỳ vọng từng bước góp phần xây dựng nền công nghiệp âm nhạc sáng tạo.

Năm 2023, với thành công của hai đêm diễn của BlackPink ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội tiếp tục ghi danh vào danh sách những điểm biểu diễn an toàn của ban nhạc Kpop hàng đầu thế giới.

Bài 2: Hái ra tiền từ công nghiệp biểu diễn ảnh 2

Chương trình Tinh hoa Bắc Bộ trở thành điểm nhấn du lịch văn hóa tại Thủ đô

Nhạc sĩ Đức Trí - người đứng sau thành công của nhiều chương trình âm nhạc trên khắp cả nước - nhận định, trong 5 năm trở lại đây, thành phố Hà Nội là nơi âm nhạc được đón nhận tốt nhất. Nhu cầu thưởng thức âm nhạc ở Hà Nội cũng cao nhất. “Vừa là một nhạc sĩ, vừa là nhà sản xuất, tôi dễ dàng nhận thấy rằng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ở Hà Nội ngày càng cao. Năm ngoái tôi tổ chức đêm nhạc tại Đà Lạt, đến 70% người trong tệp khách hàng đến từ Hà Nội. Không có lý do gì để không tổ chức đêm nhạc tại Hà Nội”, nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ với Tiền Phong.

Văn hóa không chỉ biết tiêu tiền

Với 8 trụ cột tài nguyên văn hoá bao gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên, lễ hội mới và sự kiện, các tổ chức văn hóa, làng nghề, nghệ nhân, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, các giá trị, bản sắc, danh nhân văn hóa, các cơ sở vật chất và không gian văn hóa..., Hà Nội được nhận định là “đầu tàu” của cả nước về tài sản văn hóa, di sản và nghệ thuật. Đây cũng là những trụ cột để công nghiệp văn hoá Thủ đô “bứt tốc” trong thời gian tới.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Trước đó Hà Nội đề ra Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI), Đề án về Đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2019), Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và các chính sách hỗ trợ, phát triển làng nghề. Điều đó thể hiện tầm nhìn, ý chí và quyết tâm của lãnh đạo thành phố, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa.

Muốn hái trái ngọt phải “chịu chi”, Hà Nội không chỉ dừng ở lời nói. Song song với chủ trương, chính sách phát triển, lãnh đạo thành phố coi đầu tư cho văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng. Hà Nội thuộc tốp đầu chi cho phát triển văn hóa trong tổng chi ngân sách từ trùng tu, tôn tạo, hệ thống thiết chế văn hóa, đầu tư cho làng nghề đổi lại sự khởi sắc của du lịch. Nhạc sĩ Đức Trí cho rằng, Hà Nội trở thành địa điểm tổ chức biểu diễn âm nhạc quy mô xuất phát từ nguyên nhân “dễ hiểu” - lãnh đạo luôn quan tâm, đầu tư cho văn hóa.

Nhìn lại sẽ thấy bước tiến đáng kể: trong giai đoạn 2015-2020, cơ cấu kinh tế của Thủ đô đang chuyển dịch theo hướng gia tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ từ 57,2% lên tới 64,1% GRDP, giúp Hà Nội duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm. Mức GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD. Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển.

Chỉ xét riêng sự đóng góp của công nghiệp sáng tạo, năm 2018, công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm của thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP).

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, Hà Nội sở hữu không ít tiềm năng để tổ chức các sự kiện âm nhạc, chương trình biểu diễn quốc gia và quốc tế. Đời sống âm nhạc ở thủ đô ngày càng phong phú, với nhiều phân khúc công chúng đa dạng: từ các dòng nhạc chính thống, nhạc trữ tình, bolero, EDM đến các trào lưu của thế giới: pop, rock, jazz, blues, R&B/soul, hiphop, nhạc đồng quê, dân gian đương đại, nhạc điện tử, nhạc dance...

Bà cũng cho rằng, thị trường Việt Nam cũng không thiếu các tài năng nghệ thuật và gương mặt giải trí, từ các nhạc sĩ, ca sĩ đến đạo diễn, nhà sản xuất như: Quốc Trung, Mr Siro, Tiên Cookie, Khắc Hưng, Lê Cát Trọng Lý, Sơn Tùng - MTP, Hoàng Thùy Linh, Hà Anh Tuấn, Soobin Hoàng Sơn, Đen Vâu…

“Các nghệ sĩ trẻ chịu khó tìm tòi, thể nghiệm đầy sáng tạo, như pha trộn âm nhạc truyền thống, dân gian với các yếu tố hiện đại, kết hợp giữa các nghệ sĩ underground (dòng chảy ngầm) với các nghệ sĩ mainstream (dòng chảy chính), thực hiện các sản phẩm âm nhạc theo hướng cổ trang hoặc lồng ghép các câu chuyện văn học, yếu tố âm nhạc dân gian, nhạc dân tộc vào các trình diễn.... Hà Nội còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn trong thời gian tới”, GS.TS Từ Thị Loan nêu.

Tuy nhiên để văn hóa thực sự hái ra tiền, tương xứng với sự đầu tư đạt được mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa là kinh tế mũi nhọn, Hà Nội cần phải nhìn thẳng vào những nút thắt cả ở chính sách phát triển cho tới các nguồn lực.

Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu văn hóa, nghệ thuật, du lịch được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước như chương trình Tinh hoa Bắc Bộ ở Chùa Thầy, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, chương trình Đêm thiêng liêng ở di tích Nhà tù Hỏa Lò, các chương trình du lịch di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố cổ Hà Nội... Với hệ thống 1.350 làng nghề phong phú, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, du lịch làng nghề phát triển: lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuôn Ngọ...

“Nhìn chung, thành phố đã đạt được những kết quả khả quan trong 6 lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa là: nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kết, phần mềm và các trò chơi giải trí, du lịch văn hóa, ẩm thực…” - GS.TS. Từ Thị Loan nói.