> Nữ sinh mê cờ bạc
> Bắt nhiều 'quý bà' và 'quý cô' tham gia đỏ đen
Nhiều thanh niên ở nông thôn sa đà vào cờ bạc (ảnh mang tính minh hoạ) Ảnh: Xuân Phú. |
Nạn cờ bạc, cá độ tập trung chủ yếu ở những thanh niên tuổi từ 16 đến 30 tuổi. Tệ nạn này phát triển mạnh ở một số xã vốn nghèo khó nay bỗng giàu lên nhờ có các dự án quy hoạch hoặc các khu công nghiệp, từ đó xuất hiện những thanh niên “nhàn cư vi bất thiện” rồi mắc vào các tệ nạn xã hội.
Vợ chồng ông Thanh (xã Thư Phú, Thường Tín, Hà Nội) choáng váng sau khi nghe tin đứa con trai 19 tuổi thú nhận đang mắc nợ gần 200 triệu đồng do chơi lô. Không biết xoay xở vay mượn ở đâu, gia đình ông Thanh đành phải chuyển nhượng 60m2 đất để trả nợ cho con. Tương tự, gia đình ông Giang ở cùng thôn cũng lao đao vì bị “chủ nợ” kéo theo đồng bọn đến xiết nợ.
Hà (con trai ông Giang) vay nợ chơi lô với số tiền gần 40 triệu đồng, đến lúc chủ nợ đến đòi thì cả gốc lẫn lãi đã là 75 triệu đồng. Sau nhiều lần khất nợ, cuối cùng vợ chồng ông Giang đành phải gán chiếc công nông, phương tiện kiếm sống chủ yếu của gia đình với giá 50 triệu đồng để yên sự việc.
Ông Vực, thôn Bình Xá (Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: Tại địa phương, có người hiện nợ khoảng 400 – 500 triệu đồng do vay nặng lãi để chơi cờ bạc. Khi không có khả năng thanh toán, họ phải bán nhà, bán đất là chuyện bình thường”.
Còn theo phản ánh của người dân xã Bình Phú, gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện một số người đứng ra chuyên cho các con bạc vay nặng lãi. Chủ nợ chỉ cần lấy chữ ký, địa chỉ của con nợ là trao tiền ngay. Khi vay 1 triệu đồng phải trả lãi từ 5 nghìn – 10 nghìn đồng/ngày, sau 10 ngày nếu không trả, chủ nợ tự ý nâng tiền lãi lên 20-30 nghìn đồng/ngày, thậm chí lên tới 50 nghìn đồng/ngày và gộp số tiền lãi vào gốc.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến các con nợ trẻ tuổi ở các làng quê mắc nợ với số lượng lớn. Một người dân phản ánh: Nếu không trả, chủ nợ sẽ thuê đầu gấu ở nơi khác đến xiết nợ, đe dọa, thậm chí còn đánh cả thân nhân con nợ. Chủ cho vay nặng lãi phần lớn là những thanh niên thế hệ 8X, 9X. Để làm chủ nợ, có trường hợp đã cắm sổ đỏ gia đình để vay tiền cho các con bạc vay lại.
Phần lớn những con nợ đều do thua nhiều nên cay cú vay nặng lãi để chơi tiếp hòng gỡ lại số tiền đã mất, nhưng càng chơi càng lún sâu nợ nần. Như trường hợp Hùng (quê Đan Phượng, Hà Nội) vay hơn 100 triệu đồng (lãi suất 10 nghìn đồng/triệu/ngày) để đánh bạc, chỉ trong một tuần thua hết nhẵn. Đến ngày trả nợ, Hùng phải bỏ trốn không dám về nhà.
Tại xã Chàng Sơn (Thạch Thất), một gia đình đã phải trả cho đứa con mới 20 tuổi của mình khi chủ nợ mang hung khí đến đòi. Còn ở Phú Xuyên (Hà Nội), một chủ nợ (SN 1993) đã thuê “đầu gấu” đến nhà một thanh niên đòi nợ 265 triệu đồng, trong khi tiền gốc vay chỉ 65 triệu...
Thanh thiếu niên ở nông thôn dễ bị sập bẫy, bởi lúc đầu kẻ xấu thường rủ rê cho ăn chơi không lấy tiền, rồi cho vay tiền chơi cờ bạc, dần dần thành nghiện mà gia đình không biết. Hầu hết các chiếu bạc gây nhức nhối ở làng xã đều phải có sự vào cuộc của CA Thành phố mới bắt được.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Trưởng CA xã Bình Phú cho biết: “Phần lớn các trường hợp chúng tôi phải phối hợp với cơ quan cấp trên mới xử lý được”.