Bắc Kạn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Nhờ hạ tầng giao thông, môi trường kinh doanh được cải thiện, những năm gần đây, thu hút đầu tư vào Bắc Kạn đang tăng nhanh. Địa phương trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, giàu tiềm năng phát triển.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án FDI, trong đó có 3 dự án hoạt động hiệu quả với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 154.4 tỷ đồng. Trong đó, Dự án sản xuất giấy đế, vàng mã xuất khẩu và các sản phẩm từ nguyên liệu gỗ của Công ty TNHH Giấy và Gỗ Bình Trung có vốn đăng ký là 6,4 tỷ đồng với 100% vốn của nhà đầu tư Đài Loan, các sản phẩm của Công ty tiêu thụ trong nước. Dự án nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Việt Nam Misaki có vốn đăng ký 48 tỷ đồng, trong đó 77,1% vốn của nhà đầu tư Nhật Bản; hiện nay, Công ty đã sản xuất chế biến thành sản phẩm và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Dự án sản xuất gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam có vốn đăng ký là 100 tỷ đồng với 100% vốn của nhà đầu tư Trung Quốc, sản phẩm của Công ty được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Năm 2022, Chỉ số PCI Bắc Kạn đứng thứ 35 toàn quốc và xếp hạng thứ 6 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc…, tăng 13 bậc so với năm 2021. Kết quả đó cho thấy sự cải thiện rất lớn trong công tác điều hành kinh tế, cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện.

Cũng trong Báo cáo PCI 2022, lần đầu tiên, VCCI và USAID giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Ở bộ chỉ số này, Bắc Kạn xếp thứ hạng khá cao, đứng thứ 7 trong cả nước với 16,48 điểm. Trong đó, chỉ số Thúc đẩy thực hành xanh xếp thứ 3; chỉ số Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đứng thứ 5; chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tích cực của biến đổi khí hậu đứng thứ 20… Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

BĐS công nghiệp - Điểm sáng thu hút đầu tư

Theo CBRE Việt Nam, giá phân khúc bất động sản công nghiệp cho thuê đang rất tốt trên khắp các khu vực của cả nước. Tại phía Bắc, do nhu cầu mạnh mẽ từ nhiều lĩnh vực khác nhau mà các thị trường cấp 1 ở khu vực phía Bắc đạt 83,2%, tính đến cuối năm 2022. Diện tích hấp thụ thuần của cả năm 2022 là 519 ha. Trong đó, các khách thuê tích cực nhất ở miền Bắc bao gồm các nhà sản xuất điện tử, năng lượng mặt trời và ô tô cũng như các nhà phát triển nhà kho xây sẵn và nhà xưởng xây sẵn. Giá thuê trung bình của các thị trường cấp 1 phía Bắc ở mức 120 USD/m2 cho kỳ hạn thuê, tăng 11% so với năm trước.

Trong bối cảnh đó, Bắc Kạn nổi bật với cụm công nghiệp Quảng Chu với quy mô lớn, và tiềm năng: Đất khu điều hành và dịch vụ; đất giao thông; đất cây xanh và hồ điều hòa; đất công trình đầu mối kỹ thuật; đất công nghiệp kho bãi cho thuê. Với giao thông thuận lợi nằm trên tuyến đường huyết mạch cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, hệ thống hạ tầng kỹ thuật có sẵn đường điện 35KV đi qua đảm bảo cấp điện cho cụm công nghiệp,..

Bắc Kạn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài ảnh 1

Cụm công nghiệp Quảng Chu (Bắc Kạn) với quy mô lớn có tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới chạy qua, cách sân bay quốc tế nội bài chưa đầy 2h lái xe

Theo các chuyên gia, so với một số nước Đông Nam Á, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử cũng chọn Việt Nam là điểm đến.

Ghi nhận của Bộ phận Nghiên cứu Savills APAC cho thấy vốn đầu tư vào phân khúc này đã tăng trưởng mạnh, vượt qua bán lẻ để trở thành phân khúc có tổng giao dịch nhiều thứ 2 trong khu vực.

Trong cuộc khảo sát ý định đầu tư mới nhất của ANREV (Hiệp hội các nhà đầu tư vào Bất động sản không niêm yết tại châu Á), bất động sản công nghiệp và logistics là loại hình được ưa chuộng thứ 2 (sau bất động sản nhà ở), với 76% nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực này tại Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023.

Ông Jack Harkness, Giám đốc Dịch vụ bất động sản công nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Savills, cho biết thị trường đã chứng kiến sự ra đời của nhiều quỹ đầu tư mới trong năm 2022. Đơn cử, GLP công bố thành lập quỹ đầu tư thu nhập thứ 6 tại Trung Quốc, gây quỹ được 1,05 tỷ USD. Cùng với đó, tập đoàn quản lý quỹ đầu tư và logistics ESR đã gây quỹ 373 triệu USD cho một quỹ đầu tư phát triển tại Australia.

"Các thị trường chính được những nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới quan tâm là Trung Quốc, Nhật Bản và Úc. Tuy nhiên chúng tôi dự đoán sự quan tâm đến Ấn Độ và Đông Nam Á, những nơi đang hưởng lợi từ sự đa dạng hóa sản xuất và tăng trưởng tiêu dùng, sẽ nổi lên mạnh mẽ trong tương lai", ông Jack Harkness nói.

MỚI - NÓNG