Ba vụ kiện trong xuất khẩu và bài học đắt giá

Ba vụ kiện trong xuất khẩu và bài học đắt giá
TP - Chiều 28/12, tại thành phố Cần Thơ, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trình bày một số vụ kiện gần đây liên quan doanh nghiệp nước ta xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Các vụ kiện cho những kinh nghiệm về hội nhập.

Vụ kiện thứ nhất tranh chấp hợp đồng mua bán thơm (khóm) đông lạnh, nguyên đơn là một doanh nghiệp Việt Nam, bị đơn là một doanh nghiệp Bỉ. Doanh nghiệp Việt Nam bán thơm cho doanh nghiệp Bỉ nhưng doanh nghiệp Bỉ lại trả tiền cho địa chỉ ở Trung Quốc nên doanh nghiệp Việt Nam kiện để đòi tiền.

 Hai bên ký 4 hợp đồng mua bán thơm đông lạnh, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014. Sau mỗi lần giao hàng, doanh nghiệp Việt Nam chuyển chứng từ gốc cho phía Bỉ để nhận hàng, nhưng chờ mãi không thấy trả tiền nên giữa năm 2004, doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện đến VIAC để đòi tiền bán hàng và cả tiền lãi. Doanh nghiệp của Bỉ cung cấp chứng cứ trả tiền cho phía thứ ba ở Trung Quốc là theo địa chỉ do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp trong hợp đồng (ký hợp đồng qua Fax). Hơn nữa, chuyển hàng và trả tiền thực hiện 4 hợp đồng diễn ra trong thời gian dài nhưng phía Việt Nam không hề có cảnh báo nào, doanh nghiệp Bỉ còn đòi doanh nghiệp Việt trả phí thuê luật sư 20.000 USD.

Kết luận của Hội đồng Trọng tài: Bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; Bác yêu cầu của bị đơn đòi nguyên đơn trả phí luật sư. Doanh nghiệp Việt Nam thua kiện nên phải chịu toàn bộ phí trọng tài.

Vụ kiện thứ hai, nguyên đơn là doanh nghiệp Tây Ban Nha kiện bị đơn là doanh nghiệp Việt Nam, đòi bồi thường những tổn thất về một “hợp đồng hợp tác chiến lược” mua bán cá tra. Theo hợp đồng này, doanh nghiệp Tây Ban Nha là đại diện độc quyền của doanh nghiệp Việt Nam trên các thị trường ở châu Âu, Úc và Mỹ La tinh, mỗi tháng nhận 12 container sản phẩm cá tra, trong vòng 12 tháng. Sau đó, có 4 hợp đồng mua bán cụ thể được ký để thực hiện, nhưng tất cả sản phẩm cá tra không đảm bảo chất lượng, bị trả lại Việt Nam và “hợp đồng hợp tác chiến lược” cũng bị hủy bỏ. Doanh nghiệp Tây Ban Nha đòi doanh nghiệp Việt Nam trả gần 1 triệu USD cho “khoản tiền hoa hồng đáng ra được hưởng”.

Hội đồng trọng tài xét, doanh nghiệp Tây Ban Nha chỉ kiện “hợp đồng hợp tác chiến lược”, không liên quan 4 hợp đồng mua bán về sau, các thiệt hại chỉ là “giả định” nên không có cơ sở đòi bồi thường.

Vụ kiện thứ ba tranh chấp hợp đồng mua bán gạo, về thời gian giao nhận. Nguyên đơn là doanh nghiệp Philippines kiện doanh nghiệp Việt Nam, vì ký hợp đồng mua gạo đầu năm 2013, đã chuyển tiền tạm ứng 20% trị giá lô gạo cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng mãi không nhận được gạo. Doanh nghiệp Philippines yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trả lại tiền tạm ứng và lãi suất của số tiền này. Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, chậm giao gạo là theo yêu cầu của doanh nghiệp Philippines và đòi doanh nghiệp Philippines trả tiền lưu kho và các chi phí cho lô gạo. Doanh nghiệp Việt cung cấp các trao đổi giữa hai bên dưới nhiều hình thức (email, fax…) chứng minh sự thỏa thuận hoãn giao gạo và cả việc tuyên bố hủy hợp đồng. Tuy nhiên, chi phí cho lô gạo, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chứng minh được chi phí bao bì.

Vụ kiện được VIAC xem xét giữa năm 2015. Kết luận của Hội đồng Trọng tài: Doanh nghiệp Việt Nam phải trả tiền tạm ứng cho doanh nghiệp Phillipines và tiền lãi của khoản tiền này (được trừ chi phí bao bì). Phí trả cho trọng tài, hai bên chia nhau theo tỷ lệ thắng kiện.

Về bài học trong kinh doanh, Luật sư Châu Việt Bắc nêu.

Vụ thứ nhất về trả tiền cho bên thứ ba ở Trung Quốc, việc ký hợp đồng qua Fax, doanh nghiệp Việt Nam thua là do thiếu quy định tại hợp đồng đầu mối liên lạc, trao đổi thông tin và thiếu cẩn trọng trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Vụ thứ hai, doanh nghiệp rút kinh nghiệm về yêu cầu đòi bồi thường phải là những khoản thiệt hại thực tế xảy ra, có cơ sở chứng minh, không thể giả định.

Khi kiện ra trọng tài kinh tế, doanh nghiệp cung cấp đầy đủ chứng cứ sẽ được xem xét đến điều kiện khách quan để miễn trách, phù hợp với nguyên tắc thiện chí trong kinh doanh.

MỚI - NÓNG