Không để gián đoạn xuất khẩu cá tra

Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang. Ảnh: Long Thành.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang. Ảnh: Long Thành.
TP - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vừa yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp, tháo gỡ, không làm ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động xuất khẩu thủy sản, sau khi Mỹ ban hành “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ Siluriformes (trong đó có cá tra, basa của Việt Nam).

Theo “Quy định cuối cùng” vừa được Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) Mỹ công bố (theo Luật Nông nghiệp Mỹ năm 2014), nước này sẽ áp dụng quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đối với cá tra, ba sa ở tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ, với yêu cầu tương đương với tiêu chuẩn Mỹ đang áp dụng. Quy định này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 3/2016 (90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang)…

Lo ngại trước tình hình trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ, phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), nghiên cứu kỹ các quy định của Mỹ, khẩn trương đưa ra giải pháp, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu cá tra, ba sa trong nước. “Nếu quy định, tiêu chuẩn nào còn vênh mà phù hợp với thông lệ quốc tế và có cơ sở khoa học, nhất định phải có sự điều chỉnh”, ông Phát nói.

Theo ông Phát, do thời gian áp dụng quy định mới rất gấp, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hệ thống quản lý ở Việt Nam. Trước mắt, từ nay đến ngày 2/3/2016, Bộ sẽ phối hợp với Vasep, gửi cho phía Mỹ danh sách các doanh nghiệp có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, ba sa vào Mỹ; cung cấp về các hệ thống luật pháp, quản lý nhà nước về ATTP trong sản xuất chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam theo yêu cầu của phía Mỹ.

Trong 18 tháng chuyển tiếp (cho các nước chuẩn bị, từ tháng 3/2016), Việt Nam phải cung cấp các tư liệu để chứng minh có hệ thống quản lý về sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Mỹ. “Đây là quan ngại lớn, bởi hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn của Việt Nam và Mỹ đang có nhiều sự khác biệt”, ông Phát nói.

Cũng theo ông Phát, bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tổ chức những ngày đầu tháng 12/2015 tại Paris (Pháp), ông đã trao đổi với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack, nêu quan ngại của Việt Nam, cũng như thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ. Ông Phát cho biết, Bộ trưởng Tom Vilsack đã ghi nhận và khẳng định, việc triển khai quy định mới về cá da trơn của Mỹ sẽ không làm gián đoạn tới hoạt động xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam sang Mỹ.

Theo ông Phát, Bộ trưởng Tom Vilsack cũng cam kết, sẽ nỗ lực hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, thực hiện quá trình chuyển đổi quy trình sản xuất, giám sát cá da trơn…Nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện quy định mới đối với Việt Nam, ông Tom Vilsack sẽ trực tiếp chỉ đạo giải quyết.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.