Ba sự kiện thiên văn đặc biệt cùng hội ngộ trong đêm mai

Ba sự kiện thiên văn đặc biệt cùng hội ngộ trong đêm mai
TPO - Đêm mai, thứ 6 (27/7), người yêu thiên văn sẽ được quan sát cùng lúc 3 hiện tượng thiên văn đặc biệt gồm nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ, mưa sao băng và Sao Hỏa về gần Trái Đất nhất trong năm.

Nguyệt thực bắt đầu từ lúc 00:14 phút (giờ Việt Nam), kết thúc vào 6:28, đạt cực đại lúc 3h12 phút rạng sáng ngày  28/7, là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng Mặt Trăng chuyển dần sang đỏ nhạt (pha nguyệt thực nửa tối) sang đỏ (pha một phần) rồi đến đỏ sẫm (pha toàn phần). Phải ba năm nữa hiện tượng thiên văn này mới xuất hiện.

Cùng với nguyệt thực toàn phần, đêm mai còn có mưa sao băng Bảo Bình (Delta Aquarids). Mưa sao băng Bảo Bình xuất phát từ tàn dư bụi để lại của sao chổi Marsden và Kracht, là trận mưa sao băng trung bình với mật độ cực đại khoảng 20 vệt sao băng/giờ. Trận mưa sao băng này diễn ra từ 12/7-23/8 hàng năm, đạt cực đại vào đêm 28 rạng sáng ngày 29/7 với trung tâm là chòm sao Bảo Bình. Tuy nhiên, đêm mai cũng có thể quan sát được mưa sao băng này.

Đặc biệt, cũng trong đêm mai, Sao Hỏa sẽ về gần Trái Đất nhất. Bề mặt của hành tinh đỏ sẽ phản xạ tối đa ánh sáng từ Mặt Trời về phía Trái Đất, vì thế, Sao Hỏa sẽ sáng hơn bất kỳ thời gian nào trong năm và xuất hiện suốt đêm, ngay phía dưới Mặt Trăng. Đây là thời gian tốt nhất để quan sát, chụp ảnh Sao Hỏa.

Như vậy, đêm mai sẽ là đêm hiếm gặp với nhiều sự kiện thiên văn thú vị diễn ra cùng lúc. Tuy nhiên, Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm mai có thể có mưa vừa đến mưa to nên khả năng quan sát các sự kiện thiên văn sẽ thấp. Trong khi đó, điều kiện thời tiết từ Thừa Thiên Huế trở vào Nam bộ, Tây Nguyên sẽ thuận lợi cho việc quan sát. Người quan sát nên chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí.

MỚI - NÓNG