Ngày 31/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 30/7 đến 6h ngày 31/7, tỉnh này ghi nhận 133 ca nghi mắc COVID-19 mới, đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.
Cụ thể, huyện Xuyên Mộc ghi nhận 29 ca. Trong đó, 3 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung tại ký túc xá trường Cao đẳng Dầu khí; 26 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa (12 ca tại xã Bàu Lâm; 7 ca tại xã Bình Châu và 7 ca tại xã Tân Lâm).
TP.Vũng Tàu ghi nhận 16 ca. Trong đó, 5 ca tại Bệnh viện Vũng Tàu (2 ca tại phường 3; 1 ca liên quan đến BN 53890; 1 ca liên quan đến BN 95138 và 1 ca liên quan đến BN 46307); 1 ca liên quan đến BN 46316 tại Trường Tiểu học Nguyễn Hùng Mạnh, 4 ca liên quan đến BN 28499 (2 ca tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân; 1 ca tại trường Tiểu học Thắng Tam và 1 ca tại trường Cao đẳng Kĩ thuật Công nghệ); 2 ca liên quan tới BN 37514 (1 ca tại Trường Tiểu học Thắng Tam và 1 ca tại Bệnh viện Vũng Tàu); 2 ca liên quan đến BN 46307 tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ; 1 ca liên quan đến bệnh nhân tại TPHCM, phát hiện tại Trung tâm Y tế Vũng Tàu; 1 ca liên quan đến F0 ở Xuyên Mộc về Vũng Tàu, phát hiện tại Bệnh viện Vũng Tàu.
Huyện Long Điền ghi nhận 85 ca. Trong đó 83 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa của thị trấn Long Hải (1 ca Hải Lộc; 1 ca Hải Bình, 35 ca Hải Hà 1, 23 ca Hải Vân; 17 ca Hải Phong 2, 3 ca Hải Điền, 1 Hải Tân; 2 ca Hải Sơn); 2 ca ghi nhận trong khu vực cách ly tập trung, liên quan đến BN 16320.
Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 3 ca, gồm 1 ca là người đi về từ Bình Dương đã khai báo y tế và được cách ly tại Binh đoàn bộ binh 201; 1 ca là trẻ em 7 ngày tuổi, tiếp xúc gần với F0 ở TPHCM, 1 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung, liên quan đến BN 46302 tại trường Cao đẳng Vabis.
Như vậy, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tính từ ngày 28/6 đến nay là 1.363 ca. Trong đó 62 ca đã khỏi bệnh, số ca đang điều trị là 1.301 ca. Lực lượng chức năng đang khẩn trương truy vết các F1, F2, F3. Số người đang cách ly tập trung 2.839 trường hợp.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội; triển khai kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19...
Các sở, ban, ngành, các địa phương và người dân trong tỉnh đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt như giãn cách, cách ly xã hội, “chiến lược vắc xin”, “vắc xin và biện pháp 5K”... để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bên cạch đó với công tác chống dịch.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đồng ý cho huyện Long Điền thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý việc giãn cách xã hội tại địa bàn thị trấn Long Hải để hạn chế lây lan, sớm kiểm soát dịch bệnh.
Cụ thể áp dụng biện pháp cấm người dân ra đường sau 18h đến 6h sáng hôm sau đối với 5 khu phố thuộc nhóm nguy cơ rất cao tại thị trấn Long Hải: Hải Hà 1, Hải Hà 2, Hải Phong 1, Hải Phong 2, Hải Vân.
UBND huyện Long Điền có trách nhiệm tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn quản lý với mục tiêu phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, hướng dẫn thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa. Truyền thông chủ động, hiệu quả; thông tin chính xác, kịp thời, tích cực về các hoạt động phòng, chống dịch, hạn chế tối đa đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Tập trung chăm lo chu đáo, sẵn sàng cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc, thiết bị y tế cần thiết cho người dân, nhất là hỗ trợ vận chuyển lưong thực, thực phẩm. Nắm chắc tình hình, xử lý ngay, không để bất cứ người dân nào đói, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chủ tịch UBND tỉnh và người dân nếu để xảy ra trường hợp thiếu thốn.
Đồng thời, kiểm tra, giám sát vai trò người đứng đầu UBND cấp xã trong xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, bảo đảm các chỉ đạo của các cấp phải được tổ chức triển khai kịp thời đến từng khu phố, ấp và hộ dân; củng cố phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng.
Đồng Nai tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 8/7 của Chủ tịch UBND tỉnh về quyết liệt thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn tỉnh trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 2/8.
Đây là lần thứ 3 liên tục Đồng Nai quyết định giãn cách xã hội kể từ ngày 9/7. Đồng thời yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, thời gian áp dụng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 2/8, trừ các lực lượng: Cấp cứu, cứu hỏa, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh; Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật
Tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện triệt để các quy định về giãn cách. Thực hiện triệt để yêu cầu, quy định phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan tại địa phương nơi đó.
Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thực hiện theo 1 trong 3 phương án: “3 tại chỗ” ; “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc cả 2 phương án này. Thời gian áp dụng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 2/8. Tiếp tục dừng các cơ sở, các hộ kinh doanh đồ ăn thức uống, kể cả mua hàng mang về.