Ba nữ sinh và dự án quản lý hàng rong

Ba nữ sinh và dự án quản lý hàng rong
TP - Ba cô gái vừa tròn tuổi 20, cùng học năm thứ 3 khoa Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế Đại học Ngoại thương TPHCM, là chủ nhiệm của dự án: “Tiếp thị Việt Nam qua hàng rong”.
Ba nữ sinh và dự án quản lý hàng rong ảnh 1
Ba nữ “Ngự lâm” từ trái qua: Sử Kim Ngân - Lê Thành Nguyên An - Đỗ Thu Thủy

Đây là một trong những dự án đầu tiên lọt vào vòng chung kết Eureka.

Trong bộ tam, Lê Thành Nguyên Anh và Sử Kim Ngân là người TP HCM, còn Đỗ Thị Thu Thủy ở xứ trà Bảo Lộc (Lâm Đồng). Cùng sở thích về âm nhạc, ham đi chơi và cũng ham.. ngồi ở quán để… buôn chuyện nhưng khi bắt tay vào học là không chịu thua ai. Cả ba đã kết thân với nhau ngay từ năm nhất đại học.

Nguyên Anh kể: “Hình ảnh gánh hàng rong vốn rất đẹp trong ký ức, nhưng hàng rong hiện nay còn rất nhiều bất cập như lấn chiếm vỉa hè, an toàn vệ sinh không cao, chất lượng dịch vụ hàng rong còn thấp…Từ đó, chúng em đã nảy ra ý tưởng sẽ làm đề tài về hàng rong”.

Ban đầu, ba cô gái chỉ dự tính làm đề tài cấp trường nhưng khi bắt tay vào việc với đề tài giải quyết hàng rong, cả ba mới thấy rằng đây là vấn đề khá khó khăn và rộng lớn, hiện chính quyền cũng đang có nhiều nỗ lực mà vẫn chưa giải quyết được. Chính vì thế, cả 3 đã quyết tâm chuyển hướng, đi sâu tìm hiểu thực trạng hàng rong, gắn với những kiến thức kinh tế đã được học trong trường.

Ba cô gái đã tập trung khai thác đề tài: “Tiếp thị hình ảnh quốc gia thông qua mô hình kinh doanh chuỗi hàng rong tại Việt Nam trong giai đoạn gia nhập chính thức WTO”.

Để tìm hiểu tư liệu, ngoài giờ học, cả ba đều phải đi rất nhiều đường phố thuộc các khu trung tâm TPHCM - nơi tập trung rất nhiều người bán hàng rong.

Thu Thủy kể: “Không ngờ lại khó phỏng vấn những người bán hàng rong đến thế. Tụi em hỏi nhưng họ lại sợ người của chính quyền tính dẹp, hay là mấy nhà báo đang viết lách gì đây! Thế là ai cũng lảng tránh tụi em. Bí quá cuối cùng chúng em đành chọn phương thức mua hàng giúp họ rồi tìm cách tỷ tê, gợi chuyện. Cuối cùng cũng thành công nhưng tiền thì…. hao quá”.

Gần 6 tháng trời kiên trì, đề tài đã được cả nhóm hoàn tất với gần 100 trang viết. Trong đó, đề tài đã phân tích kỹ lưỡng  tầm quan trọng của hàng rong trong đời sống người Việt.

Theo đề tài, hàng rong có nhiều giá trị trong đời sống văn hoá người Việt, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, quan trọng trong đời sống kinh tế và là một nét đặc thù của quê hương Việt Nam. Thay vì tìm giải pháp loại bỏ hàng rong, nếu biết cách quản lý, đưa hàng rong vào quy củ thì hàng rong sẽ phát huy rất nhiều tác dụng.

Việc quản lý sẽ dẫn tới chất lượng hàng rong đảm bảo, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và tạo một dấu nhấn cho hình ảnh hàng rong vốn nổi tiếng ở khắp Việt Nam.

Nguyên Anh cho rằng: Hàng rong sẽ là công cụ tiếp thị vì lý do hiện nay hàng rong đang bị thả nổi gây ra nhiều bất cập, đang đi lệch so với thực trạng phát triển của xã hội. Giải quyết bài toán hàng rong theo hướng tập trung quản lý sẽ vẫn giữ được những nét truyền thống của hàng rong, tiếp thị được nhiều đặc sản của Việt Nam như ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ cho du khách.

Một vấn đề khó khăn trong việc triển khai đề tài của ba cô nữ sinh là tính thực tiễn của dự án. Giải pháp thì có nhiều nhưng để đi tới một kết quả được đánh giá sao cho hiệu quả, cả ba đã phải tìm tòi rất nhiều từ những mô hình bán hàng khác đã triển khai tại Việt Nam, nhằm rút ra những điều mấu chốt nhất cho dự án của mình.

Đã có nhiều tranh luận, thậm chí cả những lần cãi cọ rất hăng hái, cả ba mới thống nhất sẽ chọn cho dự án mô hình gắn hàng rong vào cùng với doanh nghiệp. Như thế, một nhân viên bán hàng rong là một nhân viên của doanh nghiệp, chịu sự quản lý của doanh nghiệp trên nhiều góc độ.

Lợi thế của doanh nghiệp khi triển khai dự án là xây dựng mô hình bán hàng theo hình thức hàng rong, vừa tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng vừa quảng bá cho chính bản thân thương hiệu từ nhiều góc độ. Nhóm đã đặt tên cho dự án dịch vụ hàng rong của mình là V-Shop (V là Việt Nam đồng thời V cũng là Victory - tiếng Anh là chiến thắng). Cùng với đó, câu khẩu hiệu (Slogan) sẽ là “Carry Viet Nam on shoulder”.

Với logo là hình ảnh chữ V cùng bản đồ đất nước và các đốt tre tạo thành chữ Shop, dự án đã cho thấy tính nghiêm túc cũng như sự đầu tư khá kỹ lưỡng về mọi mặt của các cô gái.

Ngay sau khi hoàn thành, dự án “Tiếp thị hình ảnh Việt Nam qua hàng rong” đã được đánh giá cao, là một trong những dự án đầu tiên lọt vào vòng chung kết của cuộc thi Eureka dành cho sinh viên TPHCM. Dù vẫn bị vướng vào chuyện học hành nhưng cả ba vẫn đang đi tìm một doanh nghiệp nào có đủ khả năng để cùng hợp tác triển khai dự án.

MỚI - NÓNG