Bà nội trợ gặp khó

TP - Vậy là câu hỏi “cá biển miền Trung ăn được chưa” đã có câu trả lời, sau khi Bộ Y tế công bố kết quả lấy mẫu và phân tích hải sản tại bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế. Nhưng câu trả lời vẫn đang gây khó cho  người tiêu dùng.

Cho dù đã xác định những loài tôm cá nào ăn được, loại hải sản nào, đánh bắt ở khu vực nào cần tránh xa, thì vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi lơ lửng và biết bao nghi ngại của người dân cả nước. 

Nói ngắn gọn, theo Bộ Y tế, hải sản tầng đáy ở bốn tỉnh nói trên đánh bắt trong khu vực 13,5 hải lý (tương đương 25km) trở vào là không an toàn. 

Bộ Y tế đã làm được một việc là liệt kê một danh sách dài các loại cá ăn được (cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi) và khuyến cáo người dân không ăn ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá - đây là các loài hải sản sống ở tầng đáy, trong vòng 20 hải lý. 

Nhưng người nội trợ thông thường biết đâu được hải sản nào là tầng nổi, con gì sống ở đáy, bởi biển cả có biết bao loài hải sản. Một số tài liệu nói biển Việt Nam có 2030 loài cá, 1600 loài giáp xác, 2500 loài sò trai… 

Lại còn phải phân biệt con nào ăn lửng, con nào ăn đáy, trong khi biển Trung bộ và vùng giữa biển Đông là hai khu vực có trữ lượng hải sản lớn nhất nước.

Người nội trợ băn khoăn, nghi ngại nhưng ngư dân vẫn phải ra khơi vì không thể chốc lát thay đổi sinh kế. Nhưng biển cả bao la, không ai dám chắc có thể xác định được và xác định hết cá nào, cua nào đánh bắt ở vùng nào, và chẳng ai dám chắc hải sản miền Trung, những nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường vừa qua không được đem bán ngay giữa biển để rồi lại được phân phối đi các nơi dưới cái mác hải sản vùng an toàn.

Chính quyền có kêu gọi người dân ủng hộ ngư dân, lãnh đạo có đi tắm biển và ăn hải sản thì những hành động đó cũng không thể xóa đi e ngại hoàn toàn có cơ sở của người dân, nhất là các bà nội trợ.

Mọi việc không chỉ dừng ở khuyến cáo ngư dân về khu vực và cách khai thác, khuyến cáo người tiêu dùng về những loài thủy sản an toàn và không an toàn. Phải có những biện pháp hỗ trợ ngư dân chuyển đổi công ăn việc làm. Và việc lấy mẫu phải được làm thường xuyên, liên tục cho đến khi biển sạch hoàn toàn.

Và quan trọng nhất, ở thời điểm này, cần những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ “hải sản tầng đáy trong 13,5 hải lý” lọt vô mâm cơm của người dân.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.