Nhãn 16 +: Từ phim sang sách

TP - Phim ảnh nháo nhào với “mác” 16+ nhiều năm nay. Thậm chí có tình trạng không ít nhà sản xuất tranh thủ biến nhãn 16+  thành chiêu câu khách. Ở ta, việc dán nhãn cũng chỉ dừng ở trạng thái lưu ý, khuyến cáo, chẳng có hình phạt nào nếu khán giả cố tình “vượt rào”.

Nhà văn của tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh đã hoàn thành “ca sinh nở” “Ngày xưa có một chuyện tình”. Cuốn sách mới này khác hẳn những cuốn từng làm mưa làm gió trên thị trường sách của ông như Hạ đỏ, Mắt biếc… bởi đề cập đến chuyện người lớn, chuyện “vượt đèn đỏ” trong tình yêu của những người trẻ tuổi, dẫn đến việc có thai và làm mẹ đơn thân. 

Bản thân cha đẻ của “Ngày xưa có một chuyện tình” cũng phải đấu tranh gay gắt mới quyết định cho các nhân vật của mình thoát khỏi vách ngăn pha lê để trải nghiệm những va vấp ở tuổi trưởng thành. Nhằm tạo an toàn cho độc giả, nhà văn và người biên tập sách từng lăn tăn với việc dán mác 16+ cho “Ngày xưa có một chuyện tình” nhưng cuối cùng, giám đốc NXB Trẻ, sau khi tự mình “nghiên cứu” tác phẩm đã đưa ra kết luận: Không cần dán mác.

Đem câu chuyện này trao đổi với ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông chia sẻ cởi mở: “Bên này không có khái niệm 16+. Khái niệm ấy chỉ dành cho phim ảnh thôi. Sách quản lí theo luật, luật xuất bản đã quy định rõ ràng”. Chẳng biết những người kinh doanh sách vui hay buồn khi ông Cục trưởng khẳng định: Không qui định dán 16+. 

Mà nếu dán mác 16+ cho mảng sách văn học ở ta hiện nay có nguy cơ “bội thực”,  khi yếu tố sex trong văn chương đang được mùa, chẳng kém sự ăn mặc mát mẻ trong biểu diễn nghệ thuật hay những cảnh nóng trong phim ảnh. Có điều dán mác cũng không để làm gì, khi chẳng ai kiểm duyệt đối tượng mua sách. 

Ngay cả các bậc phụ huynh cũng không có thời gian để kiểm soát  “món ăn tinh thần” của con họ. Rồi quanh dán mác 16+ thế nào cũng nảy sinh những lình xình, giống như chuyện phạt vấn đề ăn mặc phản cảm khi biểu diễn. Trong khi đối tượng bị phạt ra sức phân bua: Bộ đầm của tôi không đến mức phản cảm, chẳng qua tại… ánh đèn chiếu vào. 

Đám đông lẫn lộn khen, chê: Người khen bộ đầm rất đẹp, không đáng phạt. Kẻ chê: Phá hoại thuần phong mĩ tục v.v… Còn đơn vị có quyền phạt, cứ phạt. Đến phạt ăn mặc phản cảm đôi khi còn lúng túng thì dán mác cho câu chữ đâu phải câu chuyện dễ dàng? 

Bây giờ nếu cuốn sách “Ngày xưa có một chuyện tình” tự dưng gắn 16+ thì người ta bỗng dưng thắc mắc: Thế “Bóng đè” thì sao, rồi nhiều tác phẩm văn học Việt Nam khác nữa sao không được gắn? Ngay thời trung đại, thơ Hồ Xuân Hương liệu có cần dán mác hay không? v.v...  Nhưng cũng biết đâu nhờ gắn mác 16+ lại giúp một số tác phẩm không có chất lượng bỗng dưng có tiềm năng thành best-seller ?!

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.