Ba Lan muốn NATO đưa quân đến gần biên giới Nga

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Reuters
Ảnh minh hoạ: Reuters
TPO - Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gợi ý rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên tăng cường hiện diện ở Đông Âu để bảo vệ các quốc gia đồng minh trong bối cảnh Nga được cho là đang điều quân đến sát biên giới Ukraine.

Trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 25/11, Tổng thống Duda mô tả Ukraine là một đối tác quan trọng của khối, và an ninh nước này đang bị đe doạ.

Ông Duda viện dẫn cáo buộc “Nga điều quân tới sát biên giới Ukraine” để yêu cầu NATO tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu. “Cần chứng minh cho tất cả những người đang có ý định xâm lược rằng NATO đã sẵn sàng”, Tổng thống Ba Lan nói.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga “minh bạch, giảm căng thẳng, hạn chế leo thang tình hình”. Tuy nhiên, ông Stoltenberg không đề cập đến bất kỳ động thái tăng cường hiện diện quân sự nào gần biên giới Nga. Ông nói thêm rằng ngoại trưởng của các nước thành viên NATO sẽ nhóm họp tại Latvia vào tuần tới để thảo luận với những người đồng cấp từ Ukraine và Gruzia.

Điện Kremlin từng nhiều lần bác bỏ cáo buộc của báo giới phương Tây rằng “Mátxcơva đang chuẩn bị xâm lược Ukraine”. Ngược lại, phía Nga cáo buộc NATO làm gia tăng căng thẳng dọc biên giới phía Tây của nước này.

Ba Lan muốn NATO đưa quân đến gần biên giới Nga ảnh 1
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) họp báo chung tại Brussels (Bỉ) hôm 25/11. Ảnh: Getty

Ngoài vấn đề Ukraine, hai ông Duda và Stoltenberg cũng thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus. Ông Duda cáo buộc Belarus - với sự hỗ trợ từ Nga - đã tiến hành một cuộc tấn công tổng hợp nhằm vào Ba Lan dưới vỏ bọc người di cư.

Tổng thống Ba Lan cho biết người di cư từ Belarus hiện không còn tập trung theo nhóm lớn ở biên giới với Ba Lan, mà đã chia thành nhóm nhỏ vượt biên vào Liên minh châu Âu lúc trời tối.

Đáp lại, ông Stoltenberg cho biết đến thời điểm hiện tại Ba Lan vẫn có thể tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà không cần sự can thiệp trực tiếp của khối. Dù vậy, NATO vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết với Ba Lan, và sẵn sàng xem xét bất kỳ yêu cầu hỗ trợ nào.

Theo RT
MỚI - NÓNG