Tưởng cái câu “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” mấy ông thi sĩ như Trần Huyền Trân với Tản Đà thù tạc chuốc cho nhau chỉ có trong thơ văn, nay lần đầu tiên xuất hiện cả trong…Y văn.
Số là có ông bợm nhậu được khiêng đến bệnh viện tỉnh Quảng Trị trong tình trạng hôn mê sâu nguy kịch vì ngộ độc methanol. Trường hợp này chỉ có cách là truyền vào tĩnh mạch bệnh nhân loại rượu Etylic tinh chế để hóa giải chất độc, nhưng bệnh viện thời điểm ấy lại không có - vị bác sĩ Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện đa khoa Quảng Trị kể lại. Thế rồi ông bác sĩ quyết định truyền…bia vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Bởi trong bia cũng có Etylic. Lần lượt khoảng 5 lít bia, áng chừng hơn nửa thùng bia được “bơm” vào. Thế rồi sau khi được “uống” cả thùng bia ngoài ý muốn, như có phép màu, đang từ tình trạng cực kỳ nguy kịch, ông bệnh nhân rượu dần hồi tỉnh. Và đến hôm qua (10/1) thì xuất viện, sau tròn nửa tháng cấp cứu.
Sau ca xử lý y khoa chưa từng có kể trên, lãnh đạo Y tế Quảng Trị khẳng định là “có cơ sở khoa học”, tuy nhiên còn đang phải dò lại trên văn bản của Bộ xem có dòng nào nói về “quy trình” ấy không?!. Còn chuyên gia chống ngộ độc từ Hà Nội thì khuyến cáo bà con không nên bắt chước ngồi nhà hay ra quán mà tự ý “truyền”…bia chữa rượu”, coi chừng mất mạng!
Không thấy bác sĩ nói bia đó là bia gì, nội hay ngoại (thứ bia bá đạo này mà lộ ra phát là đắt hàng phải biết!), nhưng bỗng trở thành…tin vui cho bợm nhậu xứ ta, khi bia bỗng trở thành…thuốc!. Rất nhiều bình luận phấn khởi trên mạng, đại loại “Haha, ông bệnh nhân quá đã. Uống rượu rồi lại được uống bia”. “Bác sĩ đừng nói, ổng mà biết được sau này cứ nhậu xong ổng quất thêm nửa thùng vô nữa thì bá đạo...”.
“Hiu hiu gió thổi đầu non/ Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng”. Tửu đồ Việt thật bá đạo! Đã là con Trời thì còn sợ cha con thằng nào! Cùng với đó là những kỷ lục đứng đầu toàn cõi về tiêu thụ bia rượu. Vậy nên bia rượu và hậu quả của nó đang gieo nỗi kinh hoàng cho hơn 90 triệu dân, già trẻ lớn bé. Từ những kẻ vặn vô lăng ngoài đường, từ những tội ác đẫm máu, cho tới mỗi ứng xử từ trong nhà ra ngoài phố. Đến nỗi nhiều người đòi dẹp cái gọi là “văn hóa rượu” để tiến tới cấm triệt để rượu chè!
“Anh cộng cô đơn thành biển/ Nắng tắt mà người không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai” (Trịnh Thanh Sơn). Men say với thi sĩ thường đem đến sự phi lý trong sáng tạo. Bác sĩ có lúc cũng làm được điều đó. Nhưng đừng cố hiểu theo cách thông thường.