ASEAN chung tay ứng phó tin giả, định vị vai trò truyền thông trong giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó định vị vai trò của ngành truyền thông trong giai đoạn mới là từ "thông tin" tới "tri thức", cũng như chung tay ứng phó tin giả để xây dựng cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng.

Sáng 23/9, tại Đà Nẵng, Bộ TT&TT tổ chức họp báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI-16), Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7. Đại diện nước chủ tịch AMRI-16, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo.

Hội nghị AMRI-16 được Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 22/9 đến ngày 23/9 với chủ đề xuyên suốt là Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng.

ASEAN chung tay ứng phó tin giả, định vị vai trò truyền thông trong giai đoạn mới ảnh 1

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm và Thư ký thường trực của Văn phòng Thủ tướng Brunei Meluddin Ajman chủ trì họp báo. Ảnh: Giang Thanh

Qua hai ngày làm việc, các bộ trưởng đã khẳng định và định vị vai trò của ngành truyền thông trong giai đoạn mới là từ "thông tin" tới "tri thức", thông tin sẽ trở thành một phương tiện tích cực cho việc học tập trọn đời và nâng cao nhận thức và trình độ kỹ thuật số cho công dân ASEAN.

Đây là xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ảnh hưởng của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Các bộ trưởng khuyến khích đối thoại và gắn kết nhiều hơn nữa giữa truyền thông, cộng đồng và người dân nhằm thúc đẩy tính toàn diện hơn về thông tin.

Đồng thời, kêu gọi sự hợp tác của khu vực để xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh thông qua nâng cao năng lực số, thúc đẩy tối đa hóa các nguồn thông tin đáng tin cậy để xây dựng lòng tin, định hướng dư luận, tăng cường kỹ năng số cho công dân ASEAN, đặc biệt là thế hệ trẻ và người cao tuổi.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn AMRI “ASEAN 2035: Hướng tới một ngành thông tin và truyền thông có tính chuyển đổi, thích ứng, và tự cường”. Tuyên bố chung sẽ góp phần thúc đẩy đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và hỗ trợ triển khai Kế hoạch tương ứng trên ba Trụ cột ASEAN.

ASEAN chung tay ứng phó tin giả, định vị vai trò truyền thông trong giai đoạn mới ảnh 2

Qua hai ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng.

“Các bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội nảy sinh từ sự hội tụ và chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng sau năm 2025, nhấn mạnh vai trò chuyển đổi của truyền thông trong việc trao quyền cho cá nhân, cộng đồng, xã hội và chuyển đổi từ việc tiêu thụ thông tin thụ động hướng tới việc tiếp thu kiến thức một cách chủ động, khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN xem xét việc xây dựng Kế hoạch tổng thể về Chuyển đổi kỹ thuật số cho báo chí và truyền thông”, ông Lâm nói

Tuyên bố Đà Nẵng về "Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng" được thông qua, trong đó công nhận vai trò then chốt của truyền thông trong việc đóng góp vào mục tiêu hướng đến công dân được trang bị kiến thức, tiếp thu kiến thức như động lực để thúc đẩy Cộng đồng ASEAN, Bản sắc ASEAN.

AMRI-16 cũng thông qua hai văn kiện quan trọng thể hiện nỗ lực chung của cộng đồng ASEAN trong giải quyết các nguy cơ từ tin giả, tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông và các nền tảng mạng xã hội.

ASEAN chung tay ứng phó tin giả, định vị vai trò truyền thông trong giai đoạn mới ảnh 3

Từ "thông tin" đến "tri thức" là xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ảnh hưởng của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Đó là Kế hoạch Hành động của Nhóm Đặc trách ASEAN về Tin Giả (PoA of TFFN) - một trong những nỗ lực không ngừng của ngành thông tin trong việc thể chế hóa cơ chế trong khu vực nhằm giải quyết sự gia tăng của các mối đe dọa bất đối xứng bao gồm tin giả, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch, quan điểm cực đoan và chủ nghĩa cực đoan.

Bên cạnh đó là Hướng dẫn Quản lý Thông tin của Chính phủ trong việc Chống lại thông tin giả mạo và thông tin sai sự thật trong truyền thông với mục tiêu xây dựng một khuôn khổ về cách các chính phủ có thể ứng phó với thông tin sai sự thật hoặc gây hiểu lầm đang được phổ biến trên các phương tiện truyền thông hoặc trên các nền tảng truyền thông xã hội.

"Qua đó, thiết lập các tiêu chuẩn và thông lệ tốt cho các quan chức thông tin của chính phủ; nâng cao tính chính xác và độ tin cậy, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động truyền thông của chính phủ; cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng hoặc các trường hợp khẩn cấp để đảm bảo thông tin của chính phủ minh bạch và có trách nhiệm", ông Lâm cho biết.

Ngoài ra, các bộ trưởng thông tin ASEAN cũng cập nhật và hoan nghênh tiến độ thực hiện Kế hoạch Chiến lược dành cho Thông tin và Truyền thông ASEAN (2016 - 2025) và ủng hộ xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới; phê duyệt các báo cáo kết quả và đánh giá cao tầm quan trọng của ba Nhóm công tác trực thuộc Hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách về Thông tin ASEAN (SOMRI).

Đồng thời, cập nhật và hoan nghênh tiến độ Kế hoạch Tổng thể Truyền thông ASEAN giai đoạn 2018-2025 (ACMP II) trong việc Thúc đẩy một Cộng đồng cơ hội cho tất cả mọi người; ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động/dự án của Ủy ban Văn hóa và Thông tin ASEAN (COCI) tập trung nâng cao năng lực cho ngành thông tin và truyền thông, nâng cao nhận thức về ASEAN và thúc đẩy Bản sắc ASEAN; hỗ trợ xuyên suốt những nỗ lực của ASEAN giải quyết các vấn đề phát triển con người, xã hội và bền vững.

MỚI - NÓNG
Tắm rừng được nhiều người làm nghệ thuật lựa chọn vì nó có khả năng kích thích các ý tưởng sáng tạo
Du lịch ôm cây để chữa lành
TP - Thoạt nghe nhiều người sẽ cho rằng đây lại là một trò “điên” gì khác của giới trẻ, song trên thực tế, việc ôm cây trong nghi thức tắm rừng đang trở thành một liều thuốc ngon, bổ, rẻ cho những tâm hồn cần sắp xếp, làm mới lại mình. Xu hướng này bắt đầu từ Nhật Bản và hiện đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam.