Hội thảo do Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Trung tâm nghiên cứu APEC thuộc Học viện Kinh tế và Hành chính quốc gia Nga phối hợp tổ chức.
Hội thảo đã thu hút được sự tham gia đông đảo của đại diện các cơ quan chính quyền cùng với hơn 100 chuyên gia học giả Nga đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu của Nga (Viện Kinh tế và một số viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Viện nghiên cứu chiến lược trực thuộc Tổng thống Nga, Đại học Tổng hợp Lomonosov, Đại học Kinh tế cao cấp Liên bang Nga, Học viện Kinh tế và Hành chính quốc gia…); đại diện của Ủy ban Kinh tế Á-Âu và một số bộ, ngành liên quan của Nga (Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nga…); đại diện giới doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, các quỹ đầu tư quốc gia Liên bang Nga (Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga, Quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ…)…
Đại biểu khách mời từ Việt Nam là ông Võ Trí Thành - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam.
Hội thảo diễn ra trong 4 phiên với 19 tham luận được trình bày và nhiều lượt ý kiến phát biểu thảo luận với các chủ đề khác nhau liên quan đến Năm APEC Việt Nam 2017. Nội dung các tham luận và phát biểu chủ yếu tập trung vào hai chủ đề chính là vai trò tổ chức, những sáng kiến của Việt Nam; đồng thời đề cập tới những đóng góp của Nga trong việc hình thành chương trình nghị sự APEC sau năm 2020 và các vấn đề quan trọng đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Sorokin Valery Evghenevic (Trưởng phái đoàn quan chức cao cấp Nga tại APEC) cho rằng: Hiện APEC là một trong những tổ chức hợp tác quan trọng hàng đầu, có sức ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế, chính trị không chỉ tới các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà cả thế giới nói chung. Với vai trò người đứng đầu phái đoàn quan chức cấp cao Nga tại APEC và tham dự hầu hết các hội thảo, diễn đàn có liên quan trong năm vừa qua, ông Sorokin đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam dành cho Năm APEC 2017, những nỗ lực này đã góp phần rất lớn đảm bảo thành công của APEC 2017.
Những sáng kiến của Việt Nam tại APEC 2017 trong vai trò chủ nhà và chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” được các chuyên gia tham dự Hội thảo đánh giá rất cao. Chủ đề này đã thể hiện rõ mục tiêu cần hướng tới của các nước thành viên APEC trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, trong Năm APEC 2017, Việt Nam chú trọng hướng tới 04 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh trạnh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các mục tiêu này đều nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của các chuyên gia tham dự Hội thảo. Giáo sư, Tiến sỹ kinh tế Anosova Ludmila (Phó Trưởng khối Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga; chuyên viên cao cấp Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á) đánh giá những sáng kiến và chủ đề mà Việt Nam đưa ra đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về một tương lai chung của APEC, đáp ứng được lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế. Trưởng phái đoàn quan chức cao cấp Nga tại APEC, ông Sorokin khẳng định Nga sẽ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong thúc đẩy những sáng kiến này, bởi Nga có cùng chung quan điểm với Việt Nam trong vấn đề này.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo nhìn nhận rằng: Triển vọng hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga là rất phong phú, bên cạnh việc hợp tác, phối hợp đưa ra những sáng kiến chung trong khuôn khổ APEC thì tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói riêng và với Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng rất lớn.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ kinh tế Trigubenko Maria Evghenievna (Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam chính thức có hiệu lực đã có tác động tích cực, góp phần tăng đáng kể kim ngạch thương mại hai chiều thời gian qua. Trong 7 tháng (10/2016 - 4/2017), kim ngạch thương mại giữa EAEU và Việt Nam tăng 28%. Việc miễn và giảm thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu từ các nước EAEU vào Việt Nam và ngược lại.
Cũng theo bà Trigubenko, chính sách tăng cường hợp tác châu Á - Thái Bình Dương, trong đó mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam đóng vai trò quan trọng và là nhu cầu cấp bách, yếu tố giúp Nga duy trì vị thế cường quốc trong thế kỷ XXI.
Các vấn đề quan trọng đối với hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga trong khuôn khổ APEC nói chung và quan hệ hợp tác song phương đã được xem xét tại hội thảo dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín của Nga và Việt Nam có giá trị khách quan khoa học và góp phần hướng tới đảm bảo thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 cũng như Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng - Việt Nam từ ngày 06/11 đến ngày 11/11/2017.