Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 02/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 103,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động. Ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng do ATNĐ và không khí lạnh từ 0,2-0,3m, kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 102,0-107,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, đêm nay (01/11) ở ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6. Ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Trong đêm nay, ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Chiều 1/11, Tổng cục Phòng chống thiên tai và UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Rạch Gốc, Đất Mũi (Ngọc Hiển). Vào thời điểm kiểm tra, đại đa số tàu khai thác biển đã vào cửa Rạch Gốc (Ngọc Hiển).
Theo báo cáo của ông Trần Hoàng Lạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, đến chiều ngày 1/11, chính quyền, lực lượng vũ trang kiểm tra tàu bè khai thác ven biển, chằng chống nhà cửa, thông báo cho học sinh nghỉ học vào ngày 2/11. Các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xuống địa bàn để cùng chính quyền, nhân dân ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Trung tá Hồ Việt Triều, Trưởng công an huyện Ngọc Hiển cho biết, công an huyện đã phân công lực lượng phối hợp với chính quyền cơ sở vận động bà con ngư dân không ra biển trong những ngày áp thấp nhiệt đới: “Chúng tôi vận động nhưng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành để bảo vệ tính mạng người dân”.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Cục phòng chống thiên tai cho biết: “Đề nghị tỉnh Cà Mau tổ chức diễn tập, sẵn sàng và quyết liệt ứng phó với tình huống nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nếu tình hình xấu không diễn ra là may mắn. Nhưng nếu xảy ra, sẽ giảm thiệt hại vì Cà Mau chưa có kinh nghiệm phòng chống thiên tai”Trong khi đó, ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu chính quyền địa phương hướng dẫn bà con chằng chống nhà cửa, chuẩn bị phương tiện di chuyển người dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ngọc Hiển huy động 3 lực lượng công an, quân đội, biên phòng huy động lực lượng sẵn sàn ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Trước đó từ trưa ngày 1/11, Viễn thông Cà Mau liên tục cặp nhật diễn biến áp thấp nhiệt đới, gửi tin nhắn cảnh báo, hướng dẫn phương tiện đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi neo đậu an toàn. Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết: lượng tàu khai thác biển vào cửa Sông Đốc khá đông, đang di chuyển sâu vào trong để neo đậu, tránh va đập.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, các phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ngọc Hiển, U Minh, Phú Tân, Trần Văn Thời, Năm Căn đã tham mưu để UBND huyện quyết định cho học sinh mẫu giáo, tiểu học nghỉ học vào ngày 2/11. Riêng huyện Ngọc Hiển, học sinh từ mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở đều được nghỉ học.