Áp sai thuế nhập khẩu xăng dầu: Phải thu hồi tiền chênh lệch

Bị móc túi từ thuế xăng dầu, người dân chưa thể đòi lại tiền. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bị móc túi từ thuế xăng dầu, người dân chưa thể đòi lại tiền. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc liên Bộ Tài chính- Công Thương để xảy ra tình trạng áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai so với cam kết quốc tế kéo dài từ năm 2015 đến nay cần phải xử lý nghiêm khắc.

Theo ông Long, việc để xảy ra tình trạng áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai quy định như vừa qua cho thấy còn nhiều vấn đề trong điều hành của hai bộ. Ông cho rằng, nếu đánh giá một cách công bằng thì đây không phải là thời điểm hai cơ quan được giao nhiệm vụ điều hành giá xăng dầu “đá bóng” hay “đùn đẩy trách nhiệm” cho nhau.

Lỗi điều hành trong trường hợp này thuộc về cả hai bộ và Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Dẫn chứng cụ thể về trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông Long cho biết: Trong Nghị định 83 của Chính phủ có giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức điều hành giá xăng dầu trong nước. “Ngay cả khi Bộ Công Thương nói đã nhiều lần gửi văn bản sang Bộ Tài chính, Cục Quản lý Giá đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu cho phù hợp với các cam kết quốc tế thì đây cũng là cách nói để tránh trách nhiệm. 

Nghị định 83 đã nói rõ trong trường hợp hai bộ chưa thống nhất thì Bộ Công Thương có quyền quyết định vì là đơn vị được giao chủ trì. Với trường hợp này, hai đơn vị đều phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm liên đới vì bản thân là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý thuế. Là cơ quan quản lý về thuế nên đương nhiên anh phải nắm được các cam kết hội nhập và phải thực hiện đúng theo quy định, điều khoản cam kết”, ông Long phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, việc áp thuế sai cam kết kéo dài đã cho thấy sự yếu kém của cơ quan quản lý đồng thời cho thấy cơ quan chức năng chưa đủ năng lực điều hành. “Việc vi phạm, sai với các cam kết quốc tế là điều thấy rõ. Rất may là thị trường xăng dầu hiện nay mới chỉ toàn doanh nghiệp trong nước tham gia. Nếu có doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường thì chắc chắn sẽ không tránh được việc cơ quan quản lý bị kiện vì làm sai luật. Theo ý kiến cá nhân, cần xử phạt các cơ quan chức năng vì những sai phạm này. Thậm chí nếu làm nghiêm minh thì cần xử lý kỷ luật, hạ lương thậm chí cách chức lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm về điều hành giá xăng dầu vì để sai phạm xảy ra”, ông Long nói.

Để xử lý những hậu quả của việc áp thuế sai quy định đồng thời để thực hiện thu hồi những khoản thuế thu sai đó, theo ông Long, trong cách tính giá bán lẻ cơ sở hiện nay, người tiêu dùng bị tính tăng thuế 5% nên mỗi lít xăng bị “móc túi” thêm 5%. Vì vậy cần phải hoàn trả lại số tiền chênh lệch đã thu cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này, Nhà nước cần phải quyết định lại việc không cho doanh nghiệp được hưởng phần chênh lệch này. Ở đây không chỉ người dân mà cả nhà nước cũng chịu thiệt hại từ việc áp thuế cao hơn quy định này do có hàng nghìn xe công cũng phải mua xăng dầu để sử dụng.

“Với các khoản tiền chênh lệch thuế mà các doanh nghiệp xăng dầu được hoàn, cần phải thu hồi chuyển vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Với số tiền đã được hoàn của năm 2015 và đã được doanh nghiệp quyết toán, công bố trong báo cáo tài chính, cơ quan quản lý cần xác định số tiền cụ thể mà doanh nghiệp được hưởng lợi rồi sau đó buộc doanh nghiệp phải khấu trừ trả lại trong năm 2016 này. Kể cả trường hợp doanh nghiệp không có lãi thì cũng bị trừ tiền để đưa vào quỹ. Tiền thu hồi từ các doanh nghiệp không nên trả lại người dân vì rất khó xác định cụ thể từng cá nhân. Tiền này cũng không nên đưa vào ngân sách”, ông Long đề xuất.

Liên quan tới câu chuyện mức thuế dùng tính giá cơ sở xăng dầu cao hơn thực tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam) cho rằng: Số tiền doanh nghiệp được lợi nhờ cách tính thuế trong giá cơ sở xăng dầu cao hơn mức thuế thực tế không hề nhỏ. “Cơ quan chức năng nên tính toán để truy thu số tiền chênh lệch doanh nghiệp đã hưởng lợi rồi đưa về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Như vậy sẽ đảm bảo cả người tiêu dùng và nhà nước cùng được hưởng. Vì có truy thu cũng không biết trả lại cho người tiêu dùng thế nào”, ông Hùng nói.

Trong một diễn biến khác, sáng 16/3, PV đã trực tiếp gặp ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính). Tuy nhiên, ông Tuấn từ chối bình luận về những thông tin Bộ Công Thương đưa ra. Về khả năng truy thu số tiền chênh lệch doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đang hưởng để nộp về ngân sách hoặc Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Tuấn cũng từ chối bình luận. “Việc xử lý sao sẽ thông tin sau”, ông Tuấn nói. 

MỚI - NÓNG