Anh sẽ ở lại EU?

Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải vất vả để thuyết phục các cử tri về việc ở lại trong liên minh châu Âu
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải vất vả để thuyết phục các cử tri về việc ở lại trong liên minh châu Âu
TP - Anh sẽ trưng cầu ý dân ngày 23/6 về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói rằng, việc rời EU sẽ là “cánh cửa một chiều tới một thế giới bất định hơn nhiều”. Theo ông, việc ra khỏi EU có thể chỉ tốt với giới siêu giàu.

Về quốc phòng và vai trò toàn cầu, những người ủng hộ việc rời khỏi EU (Brexit) cho rằng, là thành viên của NATO và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quan trọng hơn đối với quốc phòng Anh; EU can thiệp việc mua bán trang thiết bị quốc phòng và muốn thiết lập quân đội riêng; rời khỏi EU, Anh sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn trên vũ đài quốc tế. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng, với tư cách thành viên EU, Anh sẽ tham gia vào những quyết sách lớn, không phải đứng ngoài rìa, làm việc cùng với các nước láng giềng để giải quyết các nguy cơ chung giúp Anh an toàn hơn…

Về an ninh, nhóm tán thành Brexit nói rằng, việc Anh ở lại EU giúp khủng bố tới Anh dễ dàng hơn; các tòa án EU khiến việc trục xuất tội phạm bạo lực khó khăn hơn; Anh vẫn có thể hợp tác với các nước châu Âu khác để chống khủng bố sau khi rời EU, như Anh đang làm với Mỹ. Nhưng nhóm không ủng hộ Brexit lập luận, Anh không có biên giới mở vì không ở trong khu vực Schengen; là thành viên Europol cho phép Anh chia sẻ thông tin tình báo và phòng chống tội phạm xuyên biên giới; các lệnh bắt của EU đã đưa hơn 1.000 tên tội phạm về Anh đối mặt công lý.

Về người nhập cư, những công dân tán thành Brexit lập luận rằng, với tư cách thành viên EU, không thể kiểm soát vấn đề nhập cư; dịch vụ công gặp nhiều sức ép; người nhập cư tăng khiến lương công nhân Anh giảm… Những người khác lại cho rằng, người nhập cư, đặc biệt từ các nước EU, đóng nhiều tiền thuế cho Anh; ưu đãi dành cho công nhân nhập cư chỉ giới hạn trong 4 năm đầu tiên; dù có ra khỏi EU, Anh vẫn phải chấp nhận lao động dịch chuyển tự do để tiếp cận đầy đủ thị trường thống nhất.

Về thương mại và kinh tế, nhóm ủng hộ Brexit nói rằng, doanh nghiệp Anh sẽ không phải chịu gánh nặng quy định EU; thương mại với các thành viên EU vẫn tiếp tục vì Anh nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu tới các nước đó; Anh có thể thương lượng các thỏa thuận thương mại với những quốc gia khác. Nhưng nhóm phản đối Brexit khẳng định, việc rời khỏi EU sẽ khiến Anh bị sốc kinh tế, tăng trưởng chậm lại.

Năm ngoái, tổng đóng góp của Anh đối với EU là 17,8 tỷ bảng, nhưng 4,4 tỷ bảng được chi cho việc trợ cấp nông nghiệp và các chương trình khác của chính phủ Anh.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG