Phát biểu trong cuộc họp báo Đức - Pháp tổ chức tại Berlin, ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: “Chúng tôi luôn tin rằng, thỏa thuận này giúp thế giới an toàn hơn, không có thỏa thuận này, thế giới sẽ kém an toàn”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng nói: “Chúng tôi quyết định giữ thỏa thuận này, bởi điều đó bảo đảm cho thỏa thuận không phổ biến hạt nhân, đồng thời đó cũng là biện pháp đúng đắn để ngăn cản Iran có được vũ khí hạt nhân”.
Từ khi lên nhậm chức đến nay, tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, trừ phi quốc hội Mỹ và EU sửa đổi những “khiếm khuyết” trong thỏa thuận. Trump sẽ ra quyết định cuối cùng trước ngày 12/5, theo một nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ, dường như ông Trump đã có quyết định rút khỏi thỏa thuận, song chưa biết ông thực hiện theo cách nào.
Tổng thống Pháp Emmanuen Macron mới đây cho biết, nếu Trump chọn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ông lo ngại rằng sẽ xảy ra chiến tranh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố, hy vọng Mỹ sẽ giữ lại thỏa thuận hạt nhân.
Đại sứ Anh tại Mỹ, Kim Darroch nói rằng, nếu Mỹ kiên quyết rút khỏi thỏa thuận, Anh sẽ tìm biện pháp khác để giữ lại. Ngoại trưởng Anh Borris Jonhson ngày hôm nay cũng bắt đầu chuyến thăm Mỹ kéo dài 2 ngày với nhiệm vụ thuyết phục Tổng thống Trump không “phá hủy” thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tổng thống Iran ngày hôm qua nói rằng, bất luận ông Trump quyết định thế nào, Iran cũng đã có đối sách, nhưng chắc chắc Mỹ sẽ “hối tiếc” nếu rút khỏi thỏa thuận.
Được biết, năm 2015 Iran đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Theo đó, Iran sẽ chấm dứt làm giàu Uranium, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế chịu trách nhiệm giám sát.
Trong trường hợp Iran thực hiện có hiệu quả thỏa thuận, công đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thực hiện giám sát và đã nhiều lần báo cáo Iran thực hiện tốt thỏa thuận này.