Iran ảm đạm trước giờ định mệnh của thỏa thuận hạt nhân

Iran ảm đạm trước giờ định mệnh của thỏa thuận hạt nhân
TP - Trên đường phố thủ đô Tehran của Iran gần đây, mỗi ngày dường như mang thêm lo lắng và sợ hãi trước hạn chót Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này sẽ quyết định có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không.

Các cửa hàng đổi tiền từng trưng biển tỷ giá hối đoái giữa đồng rial của Iran với đồng đô la Mỹ nhưng giờ đã xóa hết, khi tỷ giá hối đoái chợ đen đã leo lên tận 70.000 rial “ăn” 1 USD, cao hơn nhiều so với tỷ giá 42.000 rial mà chính phủ mới áp dụng. Những khu phố nhộn nhịp từng đón các cặp vợ chồng mới cưới tấp nập mua sắm tủ lạnh và các đồ gia dụng khác giờ cũng gần như trống vắng vì người dân chuyển sang tiết kiệm tiền. Một số người công khai nói đến chuyện ra nước ngoài sống.

“Tất cả chúng tôi đang nghĩ đến một tương lai bất định phía trước”, AP dẫn lời anh Mohammad Khaleghi, một nhân viên bán hàng gia dụng trên phố ở Tehran. “Mọi người đều lo lắng, ngay cả tôi. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra, liệu tôi có thể tiếp tục làm nghề này hay không. Tình hình hiện nay khiến mọi người lo lắng”, anh nói.

Tâm trạng ở Tehran trước hạn chót 12/5 khi ông Trump quyết định có hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân hay không khác hẳn tâm trạng hân hoan năm 2015 khi Iran ký thỏa thuận này với các cường quốc thế giới. Khi đó, người dân hồ hởi rằng Iran đang dần khôi phục vị thế so với thời kỳ khó khăn hậu cách mạng Hồi giáo 1979 và cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ tại Tehran. Nhiều người khác ca ngợi Tổng thống Iran Hassan Rouhani và những người có tư tưởng tương đối ôn hòa khác ở Iran vì đã có công giúp các biện pháp trừng phạt kinh tế được gỡ bỏ.

Nhưng giờ đây, ít ai có thể nêu ra được lợi ích từ thỏa thuận hạt nhân đó. “Chúng tôi không cảm thấy tác động cụ thể nào lên nền kinh tế hay cuộc sống của chúng tôi. Giống như thỏa thuận đó không tồn tại”, anh Shadi Gholami, một kiến trúc sư 25 tuổi làm việc ở Tehran, nói.

Vấn đề từ bên trong

Dù mở cửa để Iran bán dầu thô và khí tự nhiên trên thị trường quốc tế, thỏa thuận hạt nhân không giúp giải quyết những vấn đề khác như tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt trong giới trẻ ở đất nước 80 triệu dân. Các ngân hàng vẫn chịu gánh nặng từ những khoản nợ xấu từ thời bị cấm vận. Tình trạng tham nhũng không thay đổi.

“Các vấn đề kinh tế của chúng tôi không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân hay ông Trump. Vấn đề của chúng tôi là nhiều quan chức chỉ nghĩ đến túi của họ”, chị Ladan Shiri, quản lý bán hàng 33 tuổi của một công ty tư nhân, nhận định. “Nếu họ thực sự nghĩ về người dân và không chỉ vì tư lợi, người dân chúng tôi đã không gặp những vấn đề như hôm nay. Đó mới là vấn đề chính”, chị Shiri nói.

Anh Ali Forouzi, kỹ sư công nghiệp 33 tuổi, cũng đồng ý với đánh giá này. “Thật không hay khi luôn đổ lỗi cho người khác như Mỹ hay ông Trump vì những vấn đề của chúng tôi. Tôi tin rằng, gốc rễ vấn đề nằm trong đất nước tôi. Nếu chúng tôi mạnh từ bên trong, không ai có thể tấn công chúng tôi từ bên ngoài. Đó là tình trạng phối hợp không tốt giữa chính phủ với các cơ quan khác, cũng như giữa người dân với nhau”, anh Forouzi nói.

Ngoài thỏa thuận hạt nhân, ông Trump còn là nhân vật gây tranh cãi ở Iran trong những vấn đề khác. Dù Mỹ là nơi định cư của nhiều người Iran nhưng ông Trump đã đưa Iran vào danh sách cấm đi lại, ngăn cản các gia đình nhận visa để sang thăm người thân của họ. Người Iran cũng chỉ trích ông Trump đã gọi vịnh Ba Tư là “vịnh Ảrập”. Những hành động đó của ông Trump gây khó chịu cho những người theo đường lối cứng rắn trong chính phủ Iran. Họ cho rằng đó là những dấu hiệu cho thấy Mỹ là “Đại quỷ sa-tăng” trong thời kỳ hậu cách mạng.

“Nếu ông Trump rút, điều đó cho thế giới và người dân chúng tôi thấy rất rõ rằng người Mỹ bất tín như thế nào đối với các hiệp ước và sự thật sẽ được phơi bày. Nó cũng cung cấp một bức tranh rộng lớn hơn đối với cộng đồng quốc tế vì chúng tôi vẫn cam kết giữ lời hứa của mình”, anh Forouzi nói.

Ông Seyed Reza Mousavi, giáo sĩ dòng Shiite 58 tuổi, nói rằng thỏa thuận hạt nhân đã “tước vũ khí của các cường quốc” và cho thấy sức mạnh của Iran. “Chúng tôi không sợ về quyết định của Trump và sẽ đứng lên chống lại không một chút dao động. Chúng tôi cũng không bị tổn hại ngay cả khi ông ta hủy bỏ thỏa thuận,. Chúng tôi đã lựa chọn đường đi của mình và chính Mỹ sẽ chịu tổn hại nếu ông ta làm như vậy”, ông Mousavi nói. Ông Alireza Yarmohammadi, giám đốc một công ty mỹ phẩm và y tế ở Tehran, nhận định: “Người Mỹ sẽ không dễ từ bỏ thỏa thuận vì nếu họ làm như vậy, Triều Tiên sẽ không đối thoại với họ. Triều Tiên sẽ không đi đến thỏa thuận với một nước phản bội một thỏa thuận mới 2 năm tuổi. Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ lại có thể nói không chấp nhận thỏa thuận đạt được trước đó”.

Nỗ lực cuối cùng

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ lại thỏa thuận hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson sẽ xuất hiện trên chương trình tin tức buổi sáng Fox & Friends yêu thích của ông Trump nhằm tác động lên nhà lãnh đạo Mỹ. Ông Trump chỉ trích thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh năm 2015 là có “nhiều lỗ hổng tai hại” và dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này vào hạn chót 12/5. Thỏa thuận này giúp nới lỏng trừng phạt Iran để đổi lấy cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Trong khi cả thế giới đang chờ đợi ông Trump ra quyết định, giá dầu leo thang cho thấy giới đầu tư dự đoán điều tồi tệ nhất sắp đến. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu được tái áp dụng sẽ khiến lượng cung dầu toàn cầu giảm 800.000 thùng/ngày. Iran là một trong những nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới trong thời gian nước này được bán dầu ra thị trường quốc tế.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.