Trong chương trình với bạn, Lễ tân Việt Nam thường có cụm từ phu nhân Thủ tướng Phan Văn Khải bà Nguyễn Thị Sáu.
Lựa thời điểm rảnh rỗi của một chuyến đi, tôi đánh bạo hỏi bà Sáu, có phải là vợ Thủ tướng mà mọi người vẫn quen gọi thân mật là anh Sáu Khải nên bà có cái tên như vậy? Bà cười, vậy mà không phải vậy. Bà là con thứ 6 trong một gia đình có 9 anh chị em quê ở xã Đa Phước huyện Bình Chánh. Bà có 2 người anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng có 2 người em là Liệt sĩ chống Mỹ. Hồi ông nhà tôi là Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch TPHCM thì lúc đó tôi là phó. Anh em trong cơ quan vẫn thường hay nói vui mỗi khi hội họp là vợ chồng Sáu Khải tới rồi thì tụi mình tới thôi…
Ông bà gặp nhau ở chiến khu. Năm 1954 cả hai tập kết ra Bắc. Thời gian đầu bà tham gia cải cách ruộng đất ở Thanh Hóa. Còn ông Sáu đi cải cách ở Sơn Tây. Năm 1957 sanh con trai đầu lòng.
Trong chuyến thăm Bulgaria, cùng với phu nhân Thủ tướng nước này, bà Sáu đã đến thăm một trường học và tặng mấy giàn máy vi tính gì đó cho nhà trường. Tôi đã xiết bao ngạc nhiên khi bà bộc bạch thẳng thắn với phu nhân Thủ tướng Bulgaria rằng vợ Thủ tướng Việt Nam không làm kinh tế, không có tài sản riêng nhiều. Tại Việt Nam hiện có nhiều tổ chức và cá nhân hằng tâm làm việc từ thiện lá lành đùm lá rách thương người như thể thương thân. Nước chúng tôi cũng nghiêm cấm những tổ chức và cá nhân lấy tiền công quỹ đem đi ban phát để lấy tiếng. Mấy bộ giàn máy vi tính này là quà của nhân dân Việt Nam mà tôi chỉ là người vinh dự được thay mặt để tặng.
Có một chi tiết nữa mà chắc có lẽ bà phu nhân Thủ tướng Bulgaria đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Từ thiện Bulgaria không biết được (mà tôi sau này mới biết) là trong số quà ấy có một bộ vi tính do chính con gái út của bà, cô Phan Thị Bạch Yến vốn rất quen làm từ thiện đã bỏ tiền ra mua riêng và góp vào!
Tôi nhớ năm 2001 trong chuyến thăm Nga, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm trường cũ, Học viện Kinh tế Quốc dân Plekhanov. Giáo sư (GS) N. Tozacov Giám đốc Học viện ra đón tận xe… Chất giọng hồ hởi của GS vang khắp hội trường lớn chúng ta gặp và ngồi lại đây để nhớ một thời ấm ấp. Phan Văn Khải đã học ở trường này năm 1965. Nhiều người nước ngoài như Phan Văn Khải đã học ở đây và trở thành những lãnh đạo địa phương hay quốc gia.
Trong lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Thủ tướng Phan Văn Khải, GS Tozacov bày tỏ chúng ta đã biết kinh nghiệm lẫn tài năng của Phan Văn Khải trong việc quản trị đất nước trong vai trò Thủ tướng. Đó là cái cách biết mở các nắp van kinh tế tư nhân cũng như không cho phép biến các cực của cải cách kinh tế thành nguồn gốc của những vấn đề xã hội. Riêng tôi đã từng làm việc với Phan Văn Khải khi đồng chí ấy ở cương vị chủ tịch TPHCM. Vậy nên hôm nay Học viện chính thức mời Thủ tướng Phan Văn Khải giảng bài về vấn đề này ở Học viện…
Tôi nhớ Thủ tướng cười nhũn nhặn mà rằng kính thưa các thầy các cô và các bạn… Nếu Học viện cần, thì Việt Nam sẽ cử những người giỏi hơn đến…
Trong chuyến thăm Đức, có một sự kiện ở Leipzig mà cánh báo chí không được biết. Đó là, Thủ tướng đã nói khó với Thị trưởng thành phố Leipzig là tìm hộ một người, đó là GS Bác sĩ Wolfgang. May quá vị này lại quá nổi tiếng, một dạng Ngự Y, nên ông Thị trưởng lần ra ngay.
Năm đã xa ấy, anh cán bộ Việt Nam Phan Văn Khải có một khóa học ngắn ở Đức. GS Wolfgang, khi đó được chỉ định đến kiểm tra sức khỏe cho lớp cán bộ cao cấp ấy đã phát hiện ra di chứng tai hại (sau một tai nạn nhẹ) một bên chân của Phan Văn Khải nhưng lúc ấy chỉ hơi đau và tập tễnh một chút. GS kiên quyết đưa ra một phác đồ điều trị bài bản nếu không sẽ thành tật suốt đời.
… Điện thoại của ngài Thị trưởng cho GS đã thông báo chính xác rõ ràng cho GS là có một bệnh nhân người Việt Nam sẽ đến nhà riêng GS. Hỏi: Để làm gì vậy? Thăm bệnh cho ông ta? Đáp: Không biết. Nhưng bệnh nhân ấy nay là Thủ tướng Việt Nam. Rồi ông Thị trưởng cho biết thêm vợ chồng Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ đến tận nhà riêng để thăm. Nhưng bất ngờ vợ chồng GS đã đến tận nơi ở của đoàn Việt Nam. Cả hai ông bà xúc động lắm, ôm lấy bệnh nhân cũ rằng, bao nhiêu năm nay mà ngài vẫn nhớ đến chúng tôi…
…Đường Tú Xương. Theo chân một anh bạn, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà. May quá, ông Sáu Khải đang có nhà. Mười mấy năm nay về hưu, mặc dù tới tấp các cuộc mời nhưng ông ít khi xuất hiện ở các sự kiện. Nghỉ là nghỉ hẳn. Tôi có ý định ghé nhà thắp nhang cho bà Sáu. Năm 2012, bà Sáu bịnh mất. Linh cữu quàn tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ông Sáu đưa mắt qua gian nhà trống hoác, cười buồn: Hôm khác tụi bây ghé qua Củ Chi. Bả ở trển… Ý ông Sáu là việc thờ tự đều ở quê nhà xã Tân Thông Hội, Củ Chi chăng?
Chỗ ngồi ông Sáu mịt mù khói thuốc. Bàn tay có nhiều vệt đồi mồi tuổi tác đưa lên hạ xuống đã kém lanh, hoạt. Tôi loáng thoáng biết, từ dạo bà Sáu mất, mọi việc chăm sóc ông đã có con cháu và người thân rất chu toàn nhưng sao bằng được thời gian, nói như các cụ mình là con chăm cha không bằng bà chăm ông?
Ngó động thái điềm tĩnh của ông Sáu với mẩu thuốc trên tay, tôi chợt nhớ đến một chuyện cũng hơi bị lạ. Hồi thăm Đại Công quốc Lucxembourg, một quốc gia giàu sụ. GDP đầu người gần 60 ngàn USD/năm. Lễ đón Thủ tướng Việt Nam chính thức theo nghi thức nguyên thủ quốc gia sắp diễn ra thì mới thấy một ông người manh mảnh phóng một chiếc xe đạp ào tới. Vâng, vị ấy là ngài Jean Claude Juncker từng đảm nhiệm nhiều nhiệm kỳ Thủ tướng của một quốc gia giàu có bình yên. Chắc nhiều người đã biết hiện tại vị nguyên Thủ tướng Lucxembourg ấy nay đang đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Ủy ban châu Âu!
Hội đàm hẹp thì không nhưng cuộc hội đàm rộng thì báo chí được dự. Đầu cuộc họp, tôi thấy ông Thủ tướng Juncker hướng cái nhìn về phía Thủ tướng Phan Văn Khải rồi bất ngờ, ông Thủ tướng cười, cất lời xin lỗi, ngài có thuốc lá cho tôi xin một điếu…
Thoáng thấy Thủ tướng Phan Văn Khải hơi lúng túng nhưng ông cũng rất nhanh móc trong túi ra gói thuốc bạc hà loại nhẹ… Tôi để ý thấy kiểu cầm điếu thuốc, cách thả khói của Thủ tướng Luxembourg rõ ra không phải là nghiện. Thủ tướng ta cũng thoải mái gạt chung vào một cái… đĩa trước khi phục vụ mang đến một chiếc gạt tàn!
Mà sao vị Thủ tướng chủ nhà lại biết được Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải có thói quen hút thuốc? Sau này chúng tôi cũng biết loáng thoáng rằng mặc dù đã bỏ nhưng Ngài hút trước cho khách thoải mái trong khi vào việc!...
Chuyện dài thêm. Mới bừng rõ, rành rẽ thêm hình như có một nỗi buồn mang tên Phan Văn Khải. Nỗi buồn? Chứ sao? Nỗi buồn ấy mang tên thời thế. Rằng ông có thể làm được nhiều hơn nhưng đã bỏ lỡ đi không ít cơ hội. Không phải do tính cách. Mà trước tiên, ông là con người của tổ chức. Phải nghiêm cẩn tuân thủ. Có thể nói Thủ tướng Phan Văn Khải đóng góp không ít công sức và là kiến trúc sư hàng đầu của trong quan hệ Mỹ - Việt thời điểm 1997-2006. Đến thời điểm này, chắc nhiều người đã hiểu tại sao Thủ tướng đã quyết định không ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ với Tổng thống B. Clinton mặc dù thời gian, địa điểm đã được hai bên ấn định?
Tôi chợt nhớ vài câu chuyện nhỏ… Lần đó đi Iceland. Thủ tướng xứ Băng đảo ấy lại là một nhà văn. Tôi đánh bạo nói nhỏ với ông Sáu ngỏ với vị chủ nhà rằng, nhà báo Việt Nam muốn có một cuộc phỏng vấn riêng với Thủ tướng nước chủ nhà? Ông Sáu ngần ngừ chút xíu rồi cười để tao hỏi… May quá, mọi việc suôn sẻ. Ông Sáu bảo một phiên dịch cứng cựa của đoàn giúp cho.
Chuyến đi Đức 2001 ấy, với bản tính luộm thuộm cố hữu, tôi quên béng cái laptop tại phòng ở. Trên máy bay tôi hoảng quá, vô ý bật kêu toáng lên. Ông Nguyễn Xuân Hiển phụ trách Hàng không cho đoàn quát cho một trận. Vô tình ông Sáu đi ngang qua nghe được, hỏi có chuyện chi? Ông Hiển tình thực trình bày. Ông Sáu cười bảo, nếu mà đợi thì ráng thêm chút. Khi ấy và cả suốt chuyến đi, vừa mừng vừa sợ.
Lần đi Canada, thời gian chỉ một ngày đêm. Chiều đó tôi nghe được bà con Việt kiều kể lại là tại thành phố này mới diễn ra một sự kiện văn hóa. Bức tượng bán thân văn hào Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa được nghệ sĩ điêu khắc Việt kiều Trương Chánh Trung và ông Nguyễn Ngọc Định thiết kế và thi công đặt tại công viên Parc de L’Arti Lerie ở trung tâm thành phố Quebec, thành phố được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Công viên còn có tên là khu địa đàng Nghệ thuật thành phố Quebec.
Ngó cuốn sổ lịch trình và hỏi bộ phận Lễ tân không có chương trình Đoàn Việt Nam đến thăm tượng Nguyễn Trãi.
Tối đó tôi nhảy taxi đến công viên Parc de L’Arti Lerie. Đêm mà vẫn đông người ghé. Tượng cũng dễ tìm. Tôi có chụp vài tấm ảnh.
Ghé qua phòng của ông Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Thấy ông đương rảnh. Vẫn giữ nguyên sự hứng khởi, tôi thuật lại chuyện vừa ghé thăm bức tượng Nguyễn Trãi. Ông Giao chăm chú lắng nghe…
Rồi một điều không ngờ đến. Chẳng rõ thông tin từ ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đến những người có trách nhiệm như thế nào mà ngay sáng hôm sau có hẳn một chương trình Đoàn Việt Nam đến thăm tượng Nguyễn Trãi tại công viên Quebec.
… Anh Sáu, ông Sáu. Thoáng chốc đã vời xa con người có tên gọi thân thương ấy.
Đêm 18/3/2018