May mắn lựa được khoảng thời gian rảnh rỗi và không khí cởi mở, thân mật, tôi đã có được các đoạn trò chuyện tạm coi là phỏng vấn Thủ tướng…
Vâng, 17 năm đã qua đi mà cứ ngỡ mọi sự cứ như mới. Những trăn trở cùng dự báo của một tầm nhìn không thường về Đổi Mới về cơ chế dường như tính thời sự vẫn chưa cũ?
Bây giờ khi lần giở lại đống tư liệu cũ và nhiều thêm những bồi hồi tưởng nhớ người cùng khung cảnh trò chuyện thời điểm đó, tôi mạo muội làm cái việc chắp nối lại các đoạn của lần trò chuyện trao đổi trên… trời ấy.
…
Có lần Thủ tướng đã thẳng thắn mà có thể dùng từ gay gắt cũng được trong một hội nghị rằng: không thể để những chủ trương chính sách đúng đắn và nhân đạo của Nhà nước bị những công chức do vụ lợi, do ngu dốt làm cho sai lệch... Thưa Thủ tướng, vụ lợi, ngu dốt công chức hay quan chức có lẽ thời nào cũng có cả. Thủ tướng sử dụng hệ thống của mình như thế nào để loại bớt những dạng công chức ấy?
- Tôi đã gián tiếp hoặc trực tiếp được nghe một số vị bộ trưởng, những người đứng đầu phụ trách ngành này ngành khác hoặc là báo cáo hoặc là tâm sự rằng, họ đã trực tiếp xuất hiện bất ngờ ở một địa bàn địa phương nào đó ở một mảng kinh tế nào đó, mà người ta vẫn gọi là vi hành để chấn chỉnh những việc làm sai. Tích cực hăng hái đeo bám thực tế và sâu sát như vậy là tốt là cần thiết nhưng chưa đủ. Sức đâu mà ứng phó cho xuể một khi địa bàn của anh mênh mông, lĩnh vực của anh rộng lớn, đa dạng... Vậy nên, người phụ trách phải biết sử dụng hệ thống của mình một cách có hiệu quả. Đối mặt với quan liêu với tham nhũng, trong hệ thống công chức, nhất là những quan chức ngu dốt cũng đáng ngại như vụ lợi vì tác hại của nhiệt tình cộng với ngu dốt thì sức công phá ngang nhau. Giáo dục chính trị tư tưởng, thưởng phạt nghiêm minh, đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính... Những cách làm đó được coi là “phương thuốc” để chữa trị những trục trặc và làm mạnh hệ thống, loại dần những công chức quan chức vụ lợi và ngu dốt. Tôi muốn nói thêm điều đáng ngại nhất là những người đứng đầu hệ thống không nắm được thông tin, thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch tác hại như nhau cả...
Thưa Thủ tướng, Phi-đen cũng đã nói về điều ấy. Đó là, người lãnh đạo mà không nắm được thông tin thì rất dễ rơi vào sự cô đơn của quyền lực. Cô đơn của quyền lực hiểu ở góc độ khi hoạch định những chính sách những chủ trương, xử lý những vấn đề mà dựa trên cơ sở những thông tin một chiều, không đáng tin cậy. Thủ tướng có khi nào lâm vào tình trạng này?
- (Cười) Không riêng tôi mà nhiều đồng chí khác ở cương vị công tác của mình phải cố gắng mà tránh được trạng thái cô đơn ấy. Nghĩa là phải có nhiều “kênh” nhiều nguồn thông tin khác nhau để nắm bắt, tiếp cận thực tế. Mà thực tiễn, điều này diễn ra hết sức sinh động. Có lẽ một dịp nào đó ta sẽ đề cập cụ thể vấn đề này...
Thưa Thủ tướng, qua việc nắm bắt thông tin và qua điều hành, Thủ tướng nghĩ sao về tình trạng cát cứ, vùng miền, trên bảo dưới không nghe?
Có đồng chí không ít lần giải trình “biện bạch” rằng địa phương tôi, ngành tôi phải làm cái này, triển khai cái kia thì mới phát huy được tiềm năng được “nội lực” của ngành của địa phương, thậm chí không làm vậy thì dân kêu (?!). (cười) Lấy dân mà làm “mộc” che để “dọa” cấp trên kể cũng đã ghê lắm đấy!
- Trên thực tế vẫn có tình trạng những chính sách chủ trương, quyết định của cấp trên cấp dưới chậm thực thi hoặc lần khân hoặc bày vẽ “sáng tạo” kiểu vẽ rắn thêm chân là bởi lợi ích cục bộ mà ra cả.
Thực trạng của thứ lợi ích cục bộ này cũng như tác hại của nó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã phản ánh không ít. Tôi chỉ muốn nói thêm biến tướng của nó.
Có đồng chí không ít lần giải trình “biện bạch” rằng địa phương tôi, ngành tôi phải làm cái này, triển khai cái kia thì mới phát huy được tiềm năng được “nội lực” của ngành của địa phương, thậm chí không làm vậy thì dân kêu (?!). (cười) Lấy dân mà làm “mộc” che để “dọa” cấp trên kể cũng đã ghê lắm đấy!
Thưa Thủ tướng, qua một số buổi làm việc với các địa phương một số tỉnh thành về định hướng phát triển kinh tế xã hội trung hạn và dài hạn, có nhận xét rằng Thủ tướng không mặn mà lắm với những công trình xây dựng cơ bản với mức đầu tư ngân sách lớn mà địa phương xin Trung ương. Thủ tướng thường nhắc nhở lưu ý địa phương về những công việc cụ thể cấp bách, về những nguồn nội lực cần khơi dậy, đừng để lãng phí... Điều này có mâu thuẫn với đường hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước?
- Đường hướng công nghiệp hóa hiện đại hoá là nhiệm vụ trọng tâm cho cả một thời kỳ dài, vậy nên phải tiến từng bước chắc chắn không chủ quan không nóng vội mặc dù chúng ta đang cố gắng đi tắt và đón đầu. Hình hài tầm vóc công nghiệp hoá hiện đại hoá phải được lớn dậy trên cái nền bền vững và cùng song hành với những nhiệm vụ kinh tế xã hội cấp bách, những đặc thù của từng địa phương từng khu vực. Chẳng hạn với thành phố Đà Nẵng, muốn vươn lên trở thành thành phố trung tâm của cả miền Trung thì phải đẩy nhanh tốc độ phát triển và quy mô sản xuất, mở rộng quy mô và tiến độ phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, xuất khẩu. Nhưng nếu Đà Nẵng không làm tốt trước mắt năm việc cụ thể: không có hộ đói nghèo, không có hộ mù chữ, không có người ăn xin, không có ma tuý, giảm thiểu đáng kể tệ nạn xã hội... thì khó có cơ sở và nó cản trở không ít cho việc xây dựng một thành phố trung tâm miền Trung. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm diện tích 0,6 phần trăm cả nước, dân số chỉ với 6,6% so với dân số cả nước nhưng góp tới 19% GDP, 34% ngân sách cả nước. Đó là thế mạnh. Song song với việc tập trung vào các ngành mũi nhọn: công nghệ phần mềm, cơ khí, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, xuất khẩu và đầu tư có trọng tâm trọng điểm đúng hướng đi vào lĩnh vực kinh tế có hàm lượng chất xám cao... thì thành phố cũng phải đối đầu giải quyết với những vấn đề cấp bách bức xúc như giao thông đô thị, phát triển các khu dân cư mới, giải quyết nạn ô nhiễm môi trường, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nội thành và ngoại thành... Cái lợi lớn phải gắng thực hiện đã đành nhưng cái hại trước mắt dù nhỏ cũng phải giải quyết ngay.
Mỗi nhiệm kỳ của một lãnh đạo bao giờ cũng để lại một dấu ấn gì đó. Với Thủ tướng, dấu ấn để lại trong nhiệm kỳ của mình là gì vậy?
- (Lắc đầu. Cười) Dấu ấn? Tôi không thích cụm từ to tát ấy mà với công việc cụ thể hàng ngày của mình, tôi muốn góp công sức bé nhỏ cùng cố gắng chung của một dân tộc quyết tâm không để đất nước tụt hậu, hoà nhập với khu vực và thế giới vì một nền kinh tế giàu mạnh, một xã hội công bằng và văn minh.
Tổng thống Bill Clinton, nghe nói đã có lần xin lỗi Thủ tướng? Việc ấy diễn ra ở đâu và như thế nào?
(Cười. Nhà báo tò mò quá ta...) Hồi thời gian diễn ra Hội nghị APEC, trong một buổi chiêu đãi, không rõ ý định của Ban Tổ chức hay là tình cờ mà tôi ngồi chung bàn với Tổng thống Bill Clinton và vợ chồng Tổng thống Nga V.Putin. Có rất nhiều nguyên thủ của hơn 20 quốc gia đã lần lượt tới vị trí chúng tôi ngồi nâng cốc chúc sức khoẻ. Mỗi khi có khách tới, ông Bill Clinton đều giơ tay về phía tôi và hỏi họ: “Các ngài có biết đây là ai không?” và nói luôn “Ngài Phan Văn Khải, Thủ tướng nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong câu chuyện, Tổng thống Bill Clinton nói với tôi là hồi chiến tranh Việt Nam ông đã từng nhiều phen trốn quân dịch và tâm sự có một người bạn thân không trốn được đã sang Việt Nam và bỏ mạng trong một trận đánh ở Củ Chi; và ông cũng biết được tôi có hai người em hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Clinton đã chia buồn với gia đình tôi và ngỏ ý xin lỗi. Ông cũng nói rất muốn tới Việt Nam. Nếu không sang Việt Nam với tư cách là Tổng thống được thì ông thể nào cũng đến Việt Nam hoặc với tư cách một thương gia hoặc là một người du lịch chẳng hạn.
Thưa Thủ tướng, máy bay chúng ta đang ở không phận của nước Nga. Thủ tướng nghĩ gì về câu nói của V.Putin, đại ý: Nếu không nghĩ hoặc không nhớ tới chế độ Xô viết trước đây là kẻ vô lương tâm, nhưng xây dựng theo hình mẫu ấy là không thực tế?
- Ý thứ nhất chắc các bạn đã rõ. Ý của vế thứ hai, theo tôi đó là một thông điệp cảnh báo nguy cơ mà Đảng, Nhà nước ta đang ra sức khắc phục. Đó là tệ quan liêu bao cấp, nạn nhũng nhiễu dân, làm láo, nói dối. Cấp dưới lừa cấp trên, cấp trên do quan liêu không nắm được tình hình đưa ra những quyết định không thực tế... Tiềm ẩn dai dẳng nguy cơ đó cộng với thứ “luật” bất thành văn: chạy chọt lo lót hối lộ và ăn hối lộ là mầm họa của bất kỳ một thể chế nào.
Xin cảm ơn Thủ tướng! Nếu theo “tinh thần” của một cuộc phỏng vấn... và trong không khí cởi mở và gần gũi này cũng xin chân thành cảm ơn anh Sáu đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện mặc dù ngắt quãng, nhưng nếu ở mặt đất thì khó có điều kiện thực hiện được.
(Còn nữa)