Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội

TPO - “Dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đều rất cởi mở, dễ gần, luôn điềm tĩnh, hiền hòa với nụ cười giản dị”, GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ với PV Tiền Phong về ký ức đặc biệt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.

"Dân chủ và cũng rất thoải mái, dễ gần"

Từng nhiều năm gắn bó với Quốc hội, giáo sư chia sẻ ấn tượng gì về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm Chủ tịch Quốc hội?

Tôi có vinh dự được làm việc trực tiếp dưới quyền lãnh đạo và điều hành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở hai cơ quan, đơn vị. Tôi làm đại biểu Quốc hội vào thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội cuối khóa XI và trong cả khóa XII (từ năm 2006 đến đến năm 2011). Vào thời gian đó, tôi cũng là thành viên trong Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XI. Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được phân công làm Tổ trưởng Tổ Biên tập.

Tại Quốc hội, tôi có nhiều ấn tượng đặc biệt về Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Trên cương vị này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rất tôn trọng nguyên tắc dân chủ. Ông hiểu vai trò của đại biểu và tôn trọng quyền có ý kiến của đại biểu.

Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm Chủ tịch Quốc hội đến thăm gia đình GS. Nguyễn Minh Thuyết nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2008. (Ảnh: GS. Nguyễn Minh Thuyết cung cấp)

Mặc dù trong thời điểm đó, có nhiều dự án, nhiều vấn đề nổi cộm, gay cấn, với rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng không bao giờ Chủ tịch Quốc hội hạn chế đại biểu thể hiện chính kiến của mình, cũng không hề yêu cầu đại biểu phải thế này, phải thế kia.

Đó là ấn tượng sâu sắc của tôi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Việc Quốc hội thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật vào thời điểm đó cũng tạo điều kiện để phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

"Trong gần ba nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn và vững chắc trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao", GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Khi tham gia làm văn kiện Đại hội XI của Đảng, tôi thấy các ý kiến rất đa dạng, nhưng Tổ trưởng Tổ Biên tập luôn lắng nghe, cẩn trọng chắt lọc từng ý kiến. Khi làm việc, ông luôn nói với chúng tôi hãy phát huy hết hiểu biết và mong muốn của mình, đừng sợ ai chụp mũ. Và dự thảo Văn kiện Đại hội XI, lần đầu tiên đã đưa hai chữ “dân chủ” lên trước bốn chữ “công bằng, văn minh”: “Xây dựng xã hội Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh”, nhấn mạnh yêu cầu “dân chủ”.

Trong quá trình làm luật, hay quyết định định vấn đề quan trọng nào đó, giáo sư có ấn tượng gì với Tổng Bí thư trên cương vị Chủ tịch Quốc hội?

Tôi còn nhớ khi Quốc hội xem xét dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trong thảo luận, có rất nhiều ý kiến không đồng tình vì thấy dự án chuẩn bị chưa kỹ, chưa phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước lúc đó.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy phiếu thăm dò, tôi thấy nội dung báo cáo không phản ánh đúng, các đại biểu xung quanh tôi cũng đều xôn xao. Lúc đó, tôi đã ngồi tại hội trường viết một bức thư, đề nghị xem xét lại. Nhưng phải chuyển thư cho Chủ tịch Quốc hội thế nào đây?

Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XII. (Ảnh tư liệu)

Cũng may, lúc đó Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu phê chuẩn ông Phạm Vũ Luận làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Khi đó, Chủ tịch Quốc hội rời hàng ghế chủ tọa, xuống ngồi ở hàng ghế trên cùng của hội trường. Lúc lên bỏ phiếu, tôi tranh thủ đưa tờ kiến nghị trực tiếp cho Chủ tịch Quốc hội. Ông vui vẻ nói “Ừ, để cho mình” và cất đi. Nhưng đi một vài bước, tôi nghĩ bụng, nhỡ Chủ tịch Quốc hội không đọc ngay, trước khi Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết thì sao? Thế là tôi vội quay lại nói với Chủ tịch Quốc hội về nội dung bức thư. Ông cười hiền từ, gật đầu.

Sau đó báo cáo được sửa lại trước khi trình Quốc hội, và lần đó dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam không được thông qua. Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy đã thể hiện đúng tác phong của Chủ tịch Quốc hội, rất tôn trọng đại biểu, có nguyên tắc, dân chủ và cũng rất thoải mái, dễ gần.

Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 3

GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ với phóng viên. Ảnh: LD

“Con đường ở quê chú đã làm xong chưa?”

Ngoài công việc ở nghị trường, ông ấn tượng gì về tác phong đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Dù trên cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn rất giản dị, dễ gần. Khi làm Chủ tịch Quốc hội, rồi sau này làm Tổng Bí thư, ông đều rất cởi mở, dễ mến, điềm tĩnh, luôn nói năng hiền hòa với nụ cười giản dị, đặc biệt là rất chân tình.

Tôi nhớ một lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hết buổi họp có mời cơm ở sảnh Nhà khách Chính phủ (số 35 Hùng Vương). Vì ăn tiệc đứng, nên tôi vô tình đứng cạnh Chủ tịch Quốc hội. Ông quay sang hỏi tôi: “Thế con đường ở quê chú đã làm xong chưa?”.

Tôi rất ngạc nhiên, vì mình cũng chỉ là một trong gần 500 đại biểu, nhưng không hiểu sao Chủ tịch Quốc hội lại nhớ được quê của mình, lại còn nhớ con đường thành phố mới mở, không biết đã làm xong chưa. Tôi rất cảm động vì Chủ tịch Quốc hội rất cởi mở và quan tâm thực sự tới người khác.

Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 4Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 5Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 6

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội cùng với cử tri. (Ảnh: Như Ý, tư liệu)

"Dù trên cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất khiêm nhường, không bao giờ lên giọng, cũng không hề áp đặt. Bên cạnh đó, ông cũng luôn sống rất liêm khiết, rất thận trọng, không để người khác tiếp cận được bằng của cải vật chất", GS. Nguyễn Minh Thuyết nói.

Tôi nhớ hồi làm việc ở Quốc hội, hằng ngày đến cơ quan, việc đầu tiên tôi phải làm là lấy thư báo để đọc, xử lý công việc, vì đó có thể là đơn thư của cử tri, công văn khẩn của các cấp, hay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một lần, tôi giật mình khi thấy thiệp cưới con trai Chủ tịch Quốc hội nhưng lễ cưới đã quá mấy ngày rồi.

Tôi liền gọi cho Thư ký Chủ tịch Quốc hội, sau đó xem lại mới biết đó là thiệp báo hỷ. Đồng chí thư ký giải thích, ở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chỉ mời có hai người và đó là hai người bạn thực sự của ông. Ngay cả các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đều báo hỷ.

“Nhưng báo hỷ cũng phải đến sớm chứ sao lại đến muộn vậy?”, tôi hỏi.

“Anh Trọng dặn chúng tôi, cưới xong mới được báo hỷ”, đồng chí thư ký đáp.

Chỉ một hành động nhỏ ấy của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng làm gương cho cán bộ.

Cũng trong thời điểm khóa XII, chúng tôi nhận được tin chị ruột Chủ tịch Quốc hội mất. Khi sang viếng, tôi rất ngạc nhiên, vì nơi chị gái ông ở chỉ là một ngôi nhà ngói rất giản dị, đất cũng hẹp.

Qua những câu chuyện đời thường như vậy, tôi rất khâm phục một người thực sự liêm khiết, giản dị, rất tiêu biểu cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tấm gương ấy đã bồi đắp thêm niềm tin của người dân vào cán bộ lãnh đạo.

Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 7Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 8Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 9

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Quốc hội và cuốn sách "Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ra mắt ngày 16/7. (Ảnh: Như Ý)

“Tôi rất hiểu, kỷ luật một người khó lắm, đau đớn lắm”

Cảm nhận của giáo sư về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi động cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất kịp thời. Bởi vì, tham nhũng đục khoét đất nước, đục khoét ngân khố và làm giảm lòng tin của người dân, không ngăn chặn được kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.

Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chức năng phòng, chống tham nhũng được giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương và các ban chỉ đạo của cấp uỷ địa phương, cơ sở về phòng chống tham nhũng. Đó là một đổi mới căn bản và điều đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Hẳn ai cũng hiểu Tổng Bí thư phải là người trong sạch, không tì vết và rất bản lĩnh mới dám làm và mới làm được như vậy.

Ấn tượng đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của một cựu đại biểu Quốc hội ảnh 10

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào tháng 8/2023. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh việc tổ chức hợp lý, bài bản, trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng rất vô tư, khách quan. Từng là chủ tịch hội đồng kỷ luật khi còn công tác tại trường đại học, tôi rất hiểu, kỷ luật một người khó lắm, đau đớn lắm. Khi ra quyết định kỷ luật buộc thôi học một sinh viên, tôi đã mất ăn, mất ngủ, dù đó là việc buộc phải làm, không còn cách nào khác. Chỉ từ một việc bé nhỏ ở cơ sở như vậy, mới thấy việc của cấp cao còn lớn hơn, khó hơn rất nhiều.

Trong gần ba nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn và vững chắc trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại rất lớn. Mong rằng các đồng chí tiếp nối cương vị Tổng Bí thư nói riêng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung sẽ tiếp tục sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, noi theo tấm gương sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thực hiện thành công Đổi mới, đưa “dân tộc ta bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Tin liên quan