> 'Triển lãm sắp đặt lớn nhất Việt Nam' và 2 tấn dây điện
Từ cột kèo nham nhở cho đến từng mẩu tro tàn, mảnh vỡ - dấu tích của ngôi nhà Lang trăm tuổi ở Hòa Bình bị hỏa hoạn, bỗng được sắp đặt thành những tác phẩm độc đáo với mọi ngôn ngữ nghệ thuật thị giác, không gian, âm thanh, video art… Đống tro tàn của di sản văn hóa hiện lên thật đau lòng, lần nữa đốt cháy tâm can nhiều người.
Một comment của độc giả trên Soi: “Các nghệ sĩ ơi, cháy kiến trúc đền thờ Lê Lai ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa đấy, các bác có làm nghệ thuật đương đại ở đó không ạ?”. Ừ nhỉ, nghệ thuật đương đại có thể xuất hiện được không trên đống hoang tàn của nhà hát múa rối Thăng Long khi đang biểu diễn, và mới nhất là Zone 9?
Vừa hỏi chuyện một diễn viên từng đóng phim cho Tây. Kể, cảnh khuôn mặt bê bết nước cống và dòi bọ trong phim ấy thật ra chỉ là mật mía, “ngọt lắm”! Nếu vào tay đạo diễn ta, không khéo cho diễn viên xài luôn nước cống thật cũng nên! Thì diễn viên xứ mình khối người đã dính mảnh đạn bom ngay trên phim trường đấy thôi. Đỉnh điểm là vụ nổ kho đạo cụ toàn thuốc bom thật, khiến 11 người tử nạn hồi đầu năm.
Trở lại với Zone 9, đang trong cơn bão dư luận “tồn tại hay không tồn tại”. Sự hoang tàn xập xệ, nguy hiểm, rồi thì rác rưởi hôi hám… có thể là một “thủ pháp nghệ thuật” cuốn hút giới khác người thời hiện đại, như đã thấy nhiều ở Tây.
Nhưng xét cho cùng, nếu để nguyên sơ đáng sợ kiểu ấy, khác nào dùng nước cống hay thuốc bom làm đạo cụ cho diễn viên. Một mảng bê tông lung lay như sắp rơi xuống đầu, cái cầu thang ọp ẹp chực đổ sụp, ai cũng hãi, nhưng nếu biết giấu trong đó những sợi cáp an toàn, thì sao nhỉ?
Không nghệ thuật đương đại nào cứu sống được di sản hay mạng người. “An toàn để nghệ thuật, nghệ thuật phải an toàn”, nhái câu khẩu hiệu ở các công trường dành cho người lao động. Hay nghệ thuật phải theo trường phái “gián cách” của Bechton Brecht, để không diễn viên nào bị khán giả bức xúc bắn chết ngay trên sân khấu?