PGS.TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết Hội thảo là hoạt động tưởng nhớ, tri ân cuộc đời vì nước, vì dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Qua đó đánh giá, làm sâu sắc thêm những ảnh hưởng rất to lớn của Cụ đối với sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đối với vùng đất và con người Đồng Tháp và tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Đồng Tháp với Cụ.
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: C. Tiên. |
Cụ Nguyễn Sinh Sắc, còn có tên Nguyễn Sinh Huy, sinh năm 1862, trong một gia đình nông dân tại Làng Sen, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Kế thừa truyền thống hiếu học của quê hương, mồ côi cha khi mới 3 tuổi và mất mẹ khi lên 4 tuổi, không có điều kiện đến trường lớp chính quy, nhưng cậu bé Nguyễn Sinh Sắc đã sớm thể hiện tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi. Được nhà nho Hoàng Đường, người sau này trở thành thầy giáo và nhạc phụ nhận về nuôi ăn học, Nguyễn Sinh Sắc quyết chí học hành và nổi tiếng là một nho sinh xuất sắc trong vùng.
Năm 1894, khoa thi Hương Giáp Ngọ, Nguyễn Sinh Sắc đậu Cử nhân, đến năm 1901, khoa thi Hội Tân Sửu, đậu Phó bảng. Năm 1906, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ Lễ, đến năm 1909, được cử làm Đồng Tri phủ, lĩnh chức Tri huyện Bình Khê, một huyện miền núi của tỉnh Bình Định.
Những năm 1928-1929, cụ Nguyễn Sinh Sắc trở lại Cao Lãnh (Đồng Tháp) và gắn bó với vùng đất, con người nơi đây cho đến khi qua đời vào ngày 27/11/1929 (tức ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ), hưởng thọ 67 tuổi.
Trọn cuộc đời, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nêu tấm gương tiêu biểu của một sĩ phu yêu nước, thương dân sâu sắc, luôn trăn trở với vận mệnh của đất nước và dân tộc. Đặc biệt, cụ đã có ảnh hưởng to lớn đối với sự hình thành nhân cách và chí hướng cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong hoàn cảnh nước nhà đang chìm đắm trong vòng nô lệ, cụ Nguyễn Sinh Sắc nhận thức rõ: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ, lại càng nô lệ hơn).
Là sĩ phu, nhưng Cụ không để bị trói buộc bởi tư tưởng “trung quân ái quốc”, mà luôn nặng lòng với vận mệnh của đất nước, cuộc sống của người dân. Do đó, sau khi thi đỗ đại khoa, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc không muốn ra làm quan, mà tìm lý do thoái thác và tìm gặp, kết giao với các sĩ phu yêu nước khác, cùng trao đổi những trăn trở về thế sự nước nhà. Đến khi buộc phải nhận một chức quan trong bộ máy chính quyền phong kiến, Cụ luôn nêu cao khí tiết, phẩm giá của nhà nho yêu nước thương dân, không cam chịu luồn cúi và làm tay sai cho chính quyền thực dân phong kiến áp bức người dân lương thiện.
Trong thời gian ngắn đảm nhiệm các chức quan của triều đình nhà Nguyễn, Cụ đã dành tâm huyết tìm mọi cách để khơi dậy tinh thần yêu nước, nghĩa khí đấu tranh chống áp bức, bất công trong nhân dân, bênh vực, bảo vệ những người dân lương thiện, giúp họ giảm bớt những đau khổ, bất công, trong xã hội thuộc địa, phong Việt Nam khi đó.
Trong hành trình ở miền đất phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc càng gắn bó mật thiết hơn, hiểu rõ hơn và đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của người dân. Bằng tài năng học vấn nho học và kiến thức y lý tinh thông, Cụ đã giúp cuộc sống nhiều người dân ở những nơi Cụ từng đặt chân đến được nâng cao, mở mang hơn cả về sức khỏe và đời sống tinh thần.
Đoàn công tác Trung ương và tỉnh Đồng Tháp mặc niệm tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính đối với Cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: C. Tiên. |
Cụ Nguyễn Sinh Sắc với vùng đất và con người Đồng Tháp
Trong hành trình đến miền đất phương Nam của Tổ quốc, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dừng chân ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Dù sau đó, Cụ từng đến nhiều nơi ở Nam Kỳ, nhưng rồi những năm tháng cuối đời đã quay trở lại sinh sống tại nơi đây.
Sau ngày Cụ qua đời, với tình cảm kính trọng và tiếc thương vô hạn, nhân dân Đồng Tháp đã tổ chức lễ an táng chu đáo cho Cụ. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp đã kiên quyết và khéo léo bảo vệ phần mộ của Cụ trước những mưu toan phá hoại của kẻ địch.
Sau ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, khu mộ Cụ đã được xây dựng lại khang trang. Ngày nay, khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc trở thành một điểm đến văn hóa, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc cho thế hệ trẻ.
Sáng 4/12, đoàn đại biểu Trung ương gồm Tiến sĩ Đinh Thị Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bà Hà Thị Nga - Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến viếng, dâng hương tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Phường 4, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp).