Chuyện chưa kể về người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris

TPO - Nhà báo Lý Văn Sáu (1924-2012) là cố vấn, người phát ngôn của phái đoàn Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris (1968-1973). Với những phát biểu tại Hội nghị Paris, cái tên Lý Văn Sáu đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, vang lên tại nhiều diễn đàn và sự kiện quốc tế.

Người phát ngôn xuất sắc

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 21/4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắtđúng dịp 100 năm ngày sinh nhà báo Lý Văn Sáu (5/11/1924- 5/11/2024).

Phát biểu khai mạc tọa đàm và trưng bày chuyên đề, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu là dịp để công chúng hiểu rõ hơn về những đóng góp, những di sản to lớn của các thế hệ đi trước để lại cho mai sau.

Chuyện chưa kể về người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris ảnh 1

Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - phát biểu khai mạc tọa đàm và trưng bày chuyên đề Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt.

Sinh ra trong thời kỳ đất nước đầy biến động, khi tuổi đời còn rất trẻ, người thanh niên Lý Văn Sáu đã sớm bước vào con đường báo chí đầy gian nan, thử thách, ông năng nổ tham gia các hoạt động tuyên truyền của đội Thanh niên Cứu quốc, được giao nhiệm vụ Trưởng Ty thông tin tỉnh Khánh Hòa, trở thành chủ bút báo Thắng (tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay).

Sau khi tập kết ra Bắc ông trở thành cố vấn, người phát ngôn của phái đoàn Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Với những phát biểu tại Hội nghị Paris, cái tên Lý Văn Sáu đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, vang lên tại nhiều diễn đàn và sự kiện quốc tế.

Chuyện chưa kể về người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris ảnh 2Chuyện chưa kể về người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris ảnh 3

Với những phát biểu tại Hội nghị Paris, cái tên Lý Văn Sáu đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, vang lên tại nhiều diễn đàn và sự kiện quốc tế.

Ở tuổi 95 nhà báo Hà Đăng - nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - vẫn nhớ như in người anh - nhà báo Lý Văn Sáu đồng hành cùng mình trong Hội nghị Paris.

Thời điểm đó, nhà báo Hà Đăng và nhà báo Lý Văn Sáu đều là thành viên Đoàn đàm phán của Mặt trận tại Hội nghị Paris. Nhà báo Lý Văn Sáu là cố vấn, còn nhà báo Hà Đăng là thành viên trong đoàn.

Chuyện chưa kể về người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris ảnh 4Chuyện chưa kể về người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris ảnh 5

Những thước phim tư liệu nhìn lại hành trình cống hiến của nhà báo Lý Văn Sáu cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước.

Nhà báo Hà Đăng cho biết nhà báo Lý Văn Sáu là một trong những người phát ngôn của đoàn, hàng tuần, sau mỗi phiên họp chính thức của Hội nghị, anh mở họp báo, trực tiếp thông báo tình hình hội nghị và trả lời bất cứ câu hỏi nào.

"Ngay tại cuộc họp báo sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris, đã có một việc bất ngờ xảy ra. Một nhà báo Mỹ đưa ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi người phát ngôn của ta: "Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được tới hai phần ba lãnh thổ Nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?".

Lý Văn Sáu gọn ghẽ trả lời: "Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông báo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ ném bom nơi nào miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi đấy”, nhà báo Hà Đăng kể lại.

Cuối đời vẫn miệt mài cống hiến

Ông vẫn nhớ như in những tiếng vỗ tay tán thưởng nhà báo Lý Văn Sáu vang lên trong phòng họp. Sau Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973), cuộc chiến đấu gian khổ của Việt Nam còn tiếp diễn thêm hơn 2 năm 3 tháng nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975.

"Lý Văn Sáu và các đồng nghiệp trở lại mặt trận tuyên truyền, báo chí quen thuộc của mình trong thời kỳ mới. Trong khi giữ cương vị lãnh đạo và quản lý, anh vẫn tiếp tục viết báo, trả lời các phương tiện thông tin đại chúng Lúc đã nghỉ hưu, anh vẫn miệt mài với công việc, tham gia biên tập nhiều tập sách có giá trị nói về cuộc chiến đấu của chúng ta", nhà báo Hà Đăng nêu.

Chuyện chưa kể về người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris ảnh 6

Triển lãm trưng bày sổ ghi chép cá nhân của nhà báo Lý Văn Sáu trong thời điểm ông tham dự Hội nghị Paris.

Sau mấy lần bị tai biến, đi lại phải bằng xe lăn, nhà báo Lý Văn Sáu vẫn hàng ngày ngồi bên bàn làm việc, với những phương tiện vốn có là chiếc máy vi tính, tiếp tục có những bài viết mới.

"Ngày 19/4/2012 là ngày cuối cùng bà Nguyễn Thị Bình và tôi đến thăm anh tại Bệnh viện 103. 11 ngày sau đó, ngày 30/4, anh từ giã chúng tôi và đi vào cõi vĩnh hằng vào đúng cái ngày mà 37 năm về trước, đất nước ta mừng Đại thắng Mùa xuân 1975", nhà báo Hà Đăng kể lại.

Triển lãm trưng bày 100 tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, nêu bật đóng góp của ông với sự nghiệp báo chí cách mạng và sự nghiệp ngoại giao Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Tiêu biểu như tài liệu, hiện vật, hình ảnh trong thời gian ông khi hoạt động tại Cuba, Hội nghị Paris (1968-1973), sổ ghi chép…

Nhà báo Lý Văn Sáu (tên thật: Nguyễn Bá Đàn) (1924-2012) là một trong những nhà báo thuộc lớp trí thức đã dành trọn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước. Đất nước thống nhất, ông gắn bó với công tác quản lý báo chí.
Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam. Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam, Ủy viên thư ký Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.

Tin liên quan