Ăn Tết trên biển

Tàu trình ký tại Trạm biên phòng Đồn 692- Sông Đốc
Tàu trình ký tại Trạm biên phòng Đồn 692- Sông Đốc
TP - Trên biển, ngư dân không có Tết. Có chăng, trước chuyến đi biển cuối năm âm lịch, nhiều ông chồng tranh thủ gặp vợ. Đêm giao thừa, ngư phủ neo tàu gần nhau ăn uống hát hò
Tàu trình ký tại Trạm biên phòng Đồn 692- Sông Đốc
Tàu trình ký tại Trạm biên phòng Đồn 692- Sông Đốc.

Lão ngư Đàm Văn Nguyên (Tư Nguyên) ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hiện có 4 chiếc tàu khai thác biển, chuẩn bị chuyến ra khơi vắt qua năm cũ năm mới. Ông cười to: “Chuyến biển cuối năm tốn kém nhiều hơn nhưng hy vọng trúng mùa hơn. Dịp Tết, tàu khai thác biển ít, dễ đánh bắt, trúng mùa hơn. Giữ được chân bạn “thủy thủ” dịp này, tôi phải lo cho bạn, ứng tiền gia đình bạn đầy đủ để lo tết nhứt”.

Ông khệ nệ bê 3 thùng bia, can rượu đế, mồi khô... giao cho các thuyền trưởng: “Cái này, tao giao cho mày giữ, phải đến giao thừa mới khui ra nghen, đừng để say quá, mất vui đó!”.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm vừa bê rượu, bia, bánh mứt... vào ca-bin vừa nói: “Các chuyến biển khác, anh em không được mang bia, rượu xuống tàu nhưng chuyến biển Tết thì ngoại lệ!”

Anh Trần Văn Son, 38 tuổi, ở khóm 7, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau), đang quản lý 4 con tàu và trực tiếp làm thuyền trưởng con tàu lớn của gia đình. Anh nói: “Thực ra trên biển không ăn tết nhứt gì, lo làm thôi. Đến giao thừa, anh em neo tàu gần nhau, bơi xuồng thúng gom lại, tổ chức ăn nhậu, hát hò cho vui, đỡ nhớ nhà”.

Ông Nguyễn Tấn Biểu, ở khu vực 2, thị trấn Sông Đốc làm chủ 13 tàu cào, lưới vây. Ông xây cất kiên cố 20 phòng trọ cho bạn ruột ở miễn phí. Bà Trần Thị Dung, vợ ông Biểu, bộc bạch: “Ngư phủ đi trên 13 con tàu khoảng 180 người bạn, cộng thêm 80 vợ bạn làm thợ vá lưới. Vừa lo cho bạn ăn Tết trên biển, vừa hỗ trợ gia đình bạn ở đây gần đứt trăm triệu đồng. Thương bạn, lo cho bạn, mình mới làm ăn được bền”.

Ở cửa biển Sông Đốc có rất đông gia đình ngư phủ sinh sống, có nhiều hộ gặp thời, phất lên, làm chủ cả. Trung tá Đào Công Đằng, Phó Công an thị trấn Sông Đốc, nói: “Chính tôi chứng kiến những cặp vợ chồng ngư phủ lập nghiệp, khá giả ngay thị trấn Sông Đốc. Chồng đi biển, vợ chăm lo cho con, vá lưới, mua bán. Bà con ngư dân các nơi chọn cửa biển Sông Đốc lập nghiệp, dễ làm ăn”.

Khu dân cư tự phát sát cửa Sông Đốc còn gọi là Xóm Đảo, thuộc khóm 6, thị trấn Sông Đốc phần lớn là gia đình ngư phủ. Mỗi tháng có đến 20 ngày quạnh quẽ, không một bóng dáng đàn ông. Anh Phan Hoàng Mới, Phó khóm 7, cho biết: “4 năm gần đây, chỉ có 5 cặp vợ chồng ly hôn, trong khi Xóm Đảo có gần 500 hộ. Gia đình ngư phủ có khó khăn, vợ ở đất liền, chồng ngoài biển nhưng họ biết giữ lửa cho nhau”.

Những người kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề biển ở thị trấn Sông Đốc có cách thu hút khách hàng thường xuyên. Các vựa tôm cá Quang Bình, Quốc Hùng, Bích Khải... đều xây dựng những ngôi nhà hạnh phúc cho bạn để tìm nguồn lao động. Chị Nguyễn Thị Tâm, vợ ngư phủ Lâm Văn Nam, nói: “Đời ngư phủ lênh đênh trên biển, mưa gió thất thường. Khi vào đất liền, có căn nhà ở với vợ con, ấm cúng”.

Anh Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, nói: “Nhịp sống cửa biển Sông Đốc theo chuyến biển. Khi trăng non ló dạng, tàu cá lần lượt vô cửa biển. Thị trấn Sông Đốc chứa đựng hơn 32.000 người, cộng thêm khoảng 10.000 ngư phủ từ đoàn tàu đánh cá cập bến. Tàu đổ xăng dầu, mua thực phẩm, sửa sang ngư lưới cụ chuyến biển mới. Khi trăng già, ngư phủ xuống tàu ra khơi. Năm nay, gần 1.000 tàu ra khơi ăn Tết biển”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG