Ẩn số đằng sau Typhoon, con tàu ngầm 'khủng long' của hải quân Nga

Ẩn số đằng sau Typhoon, con tàu ngầm 'khủng long' của hải quân Nga
TPO - Lớp Typhoon của Hải quân Nga là "vua tàu ngầm" không thể tranh cãi trong các thiết kế tàu ngầm. Nó lớn hơn nhiều so với bất cứ thứ gì khác từng được xây dựng.

Để dễ hiểu hơn, hãy tưởng tượng "con quái vật" này nặng 33.800 tấn, lớn gần gấp đôi tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ. Và mặc dù không có tàu ngầm nào tránh khỏi những lời chỉ trích, nhưng tàu ngầm lớp Typhoon được coi là một kỳ quan kỹ thuật ngay cả đối với các nhà phân tích phương Tây.

Nhưng bất chấp sự nổi tiếng của nó, các nhà phân tích tin tức tình báo nguồn mở vẫn tỏ ra không chắc chắn về vũ khí trang bị và khả năng của chiếc Typhoon cuối cùng còn sót lại, tàu ngầm TK-208 Dmitry Donskoy.

Ẩn số đằng sau Typhoon, con tàu ngầm 'khủng long' của hải quân Nga ảnh 1  

Nó có được trang bị đầy đủ các tên lửa đạn đạo không? Nếu vậy, chiếc tàu ngầm đơn lẻ này có đủ hỏa lực để tiêu diệt bất kỳ quốc gia nào. Hay nó chỉ là một chiếc tàu ngầm đóng vai trò nền tảng dùng để thử nghiệm, được trang bị một loại tên lửa duy nhất?.

“Nói một cách khác, chúng ta không thực sự biết liệu Dmitry Donskoy nay có còn được trang bị cú đấm hạt nhân mà nó đã từng có hay không. Và điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không biết chắc Nga có bao nhiêu tàu ngầm tên lửa đạn đạo hoạt động hoàn chỉnh”, chuyên gia tàu ngầm H.I Sutton viết trên Forbes.

Nếu xét trên các đặc điểm kỹ thuật ban đầu, lớp Typhoon được trang bị 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-39 ‘Rif’. Tên lửa khổng lồ này, được NATO gọi là SS-N-20 Sturgeon, dài khoảng 18m và rộng gần 3m. Một lần nữa để so sánh, nó lớn hơn nhiều so với tên lửa Trident-II do các tàu tương đương của Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Mỹ mang theo. Một phần là do tên lửa quá lớn nên tàu ngầm mang theo chúng phải là loại lớn nhất thế giới.

Tên lửa R-39 sử dụng nhiên liệu rắn, nghĩa là động cơ tên lửa sử dụng khối nhiên liệu rắn thay vì chất lỏng. Tên lửa phóng từ tàu ngầm của phương Tây cũng sử dụng động cơ đẩy rắn (một số loại khác của Nga sử dụng nhiên liệu lỏng) và nó được nhiều người coi là an toàn hơn chất lỏng.

Nhưng nó có một nhược điểm có liên quan. Nhiên liệu rắn có thời hạn sử dụng. Đối với tàu Typhoon, tên lửa đã hết hạn sử dụng khoảng 20 năm trước. Và do Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga quyết định không chi nhiều triệu USD cần thiết để thay thế động cơ tên lửa. Đồng thời tên lửa R-39M cải tiến đã bị loại bỏ. Các tàu Typhoon dần dần được rút khỏi hoạt động và giờ chỉ còn lại Dmitry Donskoy.

Dmitry Donskoy hiện được trang bị tên lửa RSM-56 Bulava hiện đại hơn thay thế R-39M. Tên lửa có tầm bắn khoảng 8.000km và có thể mang theo 6 đầu đạn hoặc nhiều hơn. Nhưng không rõ liệu tất cả các ống phóng tên lửa của tàu có được hiện đại hóa để mang tên lửa mới hay không.

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Nga (bằng tiếng Nga), tàu Donskoy có khả năng mang 20 tên lửa Bulava. Nhưng đã có những tin đồn dai dẳng rằng chỉ có một hoặc hai ống được nâng cấp để cho phép tàu hoạt động như một nền tảng thử nghiệm. Sự khác biệt với thông tin của Bộ Quốc phòng Nga có thể là tác động của hiệp ước New START (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược). Theo điều này, tất cả các ống phải được đếm ngay cả khi không được sử dụng.

Ngay cả khi tàu chỉ có một ống tên lửa sẵn sàng, không thể phủ nhận rằng tàu ngầm khổng lồ này vẫn đang hoạt động. Nó thường xuyên cùng các tàu Hải quân Nga tham gia các cuộc tập trận. Và nó đã được trông thấy tại một bến tàu vũ khí được thiết kế đặc biệt để tải và dỡ tên lửa hạt nhân.

Vì vậy, cho dù Dmitry Donskoy hiện có đang thực hiện vai trò một phần lực lượng răn đe hạt nhân của Nga hay không, có vẻ như nó có thể nếu được phân công nhiệm vụ. Có thể một số công việc hiện đại hóa sẽ được yêu cầu nếu không phải tất cả các ống phóng tên lửa hiện đang hoạt động. Nếu vậy (và có vẻ như có thể xảy ra), thì tàu có thể liên quan đến việc cải tạo lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể thực hiện được.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.